Tìm hướng bơm hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, trong 4,5 tháng cuối năm 2024 phải tìm cách đưa hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8/2024, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt 6,1%. Như vậy, sau khi tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7, giảm còn 5,66% thì đến nửa đầu tháng 8 đã phục hồi trở lại, tăng thêm 0,59%.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng
Trong năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Nếu tính trên cơ sở dư nợ đến cuối năm 2023 vào khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế trong năm 2024.
Để đạt được mục tiêu này, với dư nợ đến tính cuối tháng 8/2024, còn khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải "bơm" vào nền kinh tế trong 4,5 tháng.
Có thể thấy, tín dụng đã có dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu tháng 8, song các chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng vẫn chậm.
Các ngân hàng mong muốn Chính phủ sẽ nới thêm chính sách tiền tệ để đẩy vốn vào nền kinh tế. |
Trên địa bàn TP.HCM, dư nợ tín dụng tháng 7 giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tín dụng tháng 7 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng sau đợt tăng tốc “đổ tiền” mạnh của những ngày cuối tháng 6, tín dụng phải có thời gian hấp thụ dòng tiền phù hợp, là lý do khiến tín dụng có quãng chậm lại. Và tín dụng nửa đầu tháng 8 đã tăng lên cho thấy nhu cầu vốn của các thành phần trong nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
“Cùng với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN được cho là những yếu tố có tác động đến tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá.
Về phía các ngân hàng thương mại cũng cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.
Điển hình, Agribank đang triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình cho khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, Agribank tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã có 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Trong khi đó, một số nhà băng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động của khối FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Chú trọng chất lượng tín dụng
Trong báo cáo mới nhất, Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm.
Đặc biệt, động lực tăng trưởng tín dụng có thể đến từ lĩnh vực bất động sản. Đây là lĩnh vực hoạt động quan trọng và hấp dẫn đối với việc cho vay của các nhà băng, do nhu cầu cao và ổn định, tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, không nên lo lắng về con số tăng trưởng tín dụng mà nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt thấp hơn mục tiêu 15% nhưng dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh cũng là điều tốt. Không nên đánh đổi an toàn hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nhất là khi nợ xấu vẫn đang là một nỗi lo chực chờ đối với hệ thống ngân hàng.
Với việc Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, giới chuyên môn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ an toàn, bền vững hơn khi các điều khoản tại luật hướng đến việc tạo thuận lợi cho người mua nhà.
“Cho vay mua nhà có thể dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục từ quý II/2024”, Chứng khoán VCBS đánh giá.
Theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng không sử dụng hết hạn mức tín dụng sẽ bị thu hồi và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Chủ trương này cũng là động lực/ điều kiện cho các tổ chức tín dụng phải tìm ra hướng thúc đẩy vốn, cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Huyền Anh