Thuế đối ứng của Mỹ và giải pháp thích ứng

Các chuyên gia, doanh nghiệp đã đề ra những giải pháp thích ứng trước mắt, chủ động với trường hợp xấu nhất tại tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ” do Báo Tiền Phong tổ chức.

Nhanh chóng thích ứng chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà còn chịu tác động lớn tới lĩnh vực tài chính, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường bất động sản, vàng…

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá VNĐ, USD chịu áp lực cao, có khả năng mất giá, việc căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thu ngân sách.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ” do Báo Tiền Phong tổ chức.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và được phía Mỹ đánh giá rất cao, thậm chí ông Trump đưa lên mạng xã hội. Trước những báo cáo đặc biệt mới đây, phía Mỹ nhấn mạnh tới rào cản thuế quan, phi thuế quan và hàng hoá xuất xứ Trung Quốc từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam có cơ sở để lạc quan với cuộc điện đàm khi ngay từ đầu chúng ta đã có chủ trương và đường lối đối ngoại đúng đắn, nhằm tạo ra lợi ích hài hoà giữa Mỹ và Việt Nam.

Nếu đoàn đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đạt được kết quả tốt từ đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng, thì Mỹ có thể sẽ đẩy lùi ngày áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng từ Việt Nam để hai nước thoả thuận thêm.

Mục đích của đoàn đặc phái viên không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội và kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh quốc phòng và hàng không dân dụng.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ những giải pháp thích ứng đầu tiên liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ những giải pháp thích ứng đầu tiên liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ.

Với ngành thuế, ngay khi nhận thông tin chính sách thuế mới, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi đã rà soát tất cả các bên liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách ứng phó. Thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục có các thông tin đánh giá toàn diện để đảm bảo kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tăng thu ngân sách để phục vụ phát triển đất nước”.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về giảm thuế xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng của đối tác thương mại lớn, trong đó nhiều dòng thuế của Mỹ về 0%. Đây cũng là bước thiện chí lớn ngay từ đầu của của Việt Nam với nỗ lực cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, giúp người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 81, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ, đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 2 - tháng 6 năm nay, doanh nghiệp phải nộp chậm nhất ngày 20/11.

Nghị định 82 vừa được Chính phủ ban hành cũng gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025.

Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với quản lý thuế, doanh nghiệp FDI, đặc biệt với đấu thầu chuyển giá, quan hệ công ty trung chuyển. Xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ với cơ quan thuế Mỹ, tạo cơ sở cho 2 bên phối hợp hiệu quả ngăn chặn hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, thúc đẩy chính sách kinh tế tư nhân với thể chế chính sách và thủ tục hành chính.

Tìm giải pháp căn cơ

Để ứng phó lâu dài với chính sách thuế mới của Mỹ, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự minh bạch xuất sang Mỹ, tránh bán phá giá hỗ trợ xuất khẩu, thông số sản phẩm Việt Nam rõ ràng minh bạch.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu lại ngành.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu lại ngành.

“Chúng ta mong rằng có những tiến triển lạc quan nhưng sẵn sàng trường hợp xấu nhất. Đồng thời, doanh nghiệp cần lắng nghe tiếng nói của thị trường, như vậy mới phát triển được mọi thứ, đem Việt Nam vào sân chơi quốc tế đầy biến động trong 4 năm, thậm chí là 8 năm tới”, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy.

Việt Nam là một trong hơn 30 nền kinh tế lớn của thế giới, vậy nên theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, đã đến lúc, chúng ta cần ứng xử như một nước lớn. Các doanh nghiệp cần thay đổi 4 trụ cột: chuẩn hoá và nâng cao năng lực cung ứng; nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại; chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao; đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.

“Theo tôi, việc tự chứng minh sự minh bạch là mô hình hợp tác tốt nhất, giúp cải thiện mối quan hệ thương mại để đạt được mức “win - win”. Ngành gỗ cần thị trường Mỹ, tuy nhiên cũng xuất khẩu trên 161 thị trường khác nhau. Trước chính sách thuế quan, đây là cơ hội để ngành gỗ cơ cấu lại ngành hàng, thậm chí nếu đưa xuất khẩu về 0 cũng chấp nhận để đạt được bước tăng trưởng mới”, Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản đưa ra nhận định.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.
Bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Đối với ngành thuỷ sản, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho rằng đây là bài học để các doanh nghiệp tỉnh giấc “không bỏ trứng vào một giỏ”, đồng thời chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ để thị trường được khơi thông,gỡ các rào cản về kỹ thuật. “Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông... , tăng cường giao lưu và tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn”, bà Lê Hằng chia sẻ.

Cách chuyên gia đến từ các bộ, ban ngành, doanh nghiệp tại toạ đàm.
Cách chuyên gia đến từ các bộ, ban ngành, doanh nghiệp tại toạ đàm.

Bên cạnh đó, ngành dệt may cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa của hơn 100 triệu dân Việt Nam, bù đắp các nhu câu bị tiêu thụ tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước. Nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác.

Với quyết tâm cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của bộ ngành, đặc biệt là sự chủ động của các doanh nghiệp sẽ khắc phục được khó khăn và tiến về phía trước, thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra.

 

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Tags: Mỹ , thuế , tọa đàm
Lượt xem: 3
Tác giả: Anh Vũ