Hơn 90% giao dịch tài chính tại tổ chức tín dụng được thực hiện qua các kênh số

Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn ngành trong phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và cung cấp lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ.

z6506592171316_9ee1769b97050154e3bb2828e2bc188a(1).jpg

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2025”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Công ty TradePass (Ấn Độ) tổ chức sáng nay (ngày 15/4), ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn tầm trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, như định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong kỷ nguyên này, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

"Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia", ông Lê Anh Dũng cho biết.

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, những năm qua, ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và mạnh trong chuyển đổi số, phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Các tổ chức tín dụng đã đầu tư mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud), tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA)… để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng và quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Đặc biệt, xu hướng siêu cá nhân hóa (hyper - personalization) đang trở thành điểm nhấn, cho phép chào mời, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ may đo theo từng khách hàng gắn với bối cảnh giao dịch dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực.

Những nỗ lực này đã mang lại kết quả ấn tượng. Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn ngành trong phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và cung cấp lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ. Phần lớn ngân hàng đã kết nối và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Đến nay, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.

Những con số này không chỉ minh chứng cho tốc độ chuyển đổi số mà còn thể hiện sự phổ cập tài chính (financial inclusion), giúp hàng chục triệu người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, tiếp cận các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, ông Lê Anh Dũng cũng chỉ ra những thách thức ngành Ngân hàng đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số, có thể kể đến như: thách thức về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu khi các hình thức tấn công công nghệ cao như giả mạo sâu (Deepfake) hay giả mạo danh tính ngày càng tinh vi và phổ biến hơn; đầu tư cho hạ tầng công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số vẫn là bài toán lớn cần giải, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng và các đối tác công nghệ; cơ chế chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, mô hình kinh doanh mới trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn ổn định hệ thống, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh...

Để vượt qua thách thức, tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng theo xu hướng đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định 810/QĐ-NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn, đồng thời 70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên các kênh số.

Thời gian tới, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào các định hướng lớn sau:

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Xây dựng và cập nhật các quy định hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng theo Quyết định 810 về chuyển đổi số ngân hàng, Quyết định 1364 ngày 5/3/2025 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 57 NQ/TW của Bộ Chính trị, đáng lưu ý là các chính sách, quy định về triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy ngân hàng mở (Open Banking), tăng cường triển khai công nghệ, phân tích dữ liệu trong các hoạt động nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ ngân hàng, triển khai mở rộng xác thực sinh trắc học.

Đầu tư hạ tầng công nghệ: Nâng cấp các hệ thống thanh toán quốc gia, hệ thống thông tin tín dụng và các nền tảng dữ liệu liên ngành, đảm bảo vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả.

Tăng cường an ninh mạng: Thúc đẩy hoặc triển khai các giải pháp phòng ngừa gian lận tài chính với nền tảng toàn ngành, giám sát rủi ro thời gian thực, ứng dụng AI trong phát hiện gian lận và tuân thủ các quy định mới về an ninh mạng như Thông tư 50/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật trong cung cấp dịch vụ trực tuyến ngành Ngân hàng.

Phát triển nguồn nhân lực số ngành Ngân hàng: Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho cán bộ ngành Ngân hàng, đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng và thích ứng với kỷ nguyên số.

Thúc đẩy tài chính toàn diện: Tận dụng công nghệ, kênh số để phổ cập kiến thức, kỹ năng tài chính số, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ, góp phần thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về tài chính toàn diện và phát triển kinh tế bền vững.

 
Lượt xem: 4
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết