Doanh nghiệp, HTX xuất khẩu nông sản cần làm gì trước khoảng lặng hoãn thuế đối ứng của Hoa Kỳ?
Trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực gấp rút tìm cách thích nghi và ứng phó để ổn định sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 là 65 tỷ USD.
Việc Mỹ tạm hoãn áp mức thuế đối ứng cao, thay vào đó áp mức 10% trong vòng 90 ngày tới là khoảng lặng nhất thời của căng thẳng thương mại, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó dài hạn. Với các DN xuất khẩu, 90 ngày này có thể là thời gian vàng để tìm kiếm giải pháp, tránh bị đánh bật khỏi thị trường quan trọng này.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Giám đốc HTX Kim Hưng (ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), đơn vị chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Hoa Kỳ, cho biết, HTX tuy chỉ có khoảng 200 lao động tại chỗ, nhưng đang liên kết với khoảng 10.000 hộ gia đình trực tiếp sản xuất sản phẩm. Trước thông tin Hoa Kỳ có thể áp mức thuế đối ứng 46%, ông Thịnh bày tỏ lo ngại, nếu chính sách này được thực thi, HTX chỉ đủ sức cầm cự trong vài tháng, rất khó để duy trì sản xuất lâu dài.
Việc Hoa Kỳ tạm hoãn áp mức thuế đối ứng cao là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó dài hạn. |
Tương tự, ngành thủy sản, nhất là cá tra, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ cũng đang chịu sức ép không nhỏ.
Hiện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) xuất khẩu sản phẩm cá tra tới hơn 30 thị trường, trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 50% tổng sản lượng. Ông Phan Hoàng Duy - Phó Tổng Giám đốc Caseamex nhận định, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất bởi tính ổn định và khả năng chi phối các thị trường khác.
Với ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đại diện các DN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ: Tại Việt Nam, DN gỗ xuất khẩu chủ yếu là gia công, sử dụng lao động tương đối rẻ so với các nước trong khu vực và nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, áp thuế như vậy là không hợp lý. Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam 90 ngày. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và Hiệp hội các địa phương đã và đang cố gắng xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước mắt, trong thời gian hoãn áp thuế đối ứng 3 tháng, các doanh nghiệp sẽ tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng hiện có. Đồng thời, tăng cường kết nối và mở rộng sang các thị trường như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó là điều chỉnh cơ cấu khách hàng, tập trung khai thác thị trường nội địa, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, tiết giảm chi phí và hợp lý hóa sản xuất nhằm củng cố nội lực.
Chia sẻ cùng VnBusiness về câu chuyện xuất khẩu trước kịch bản tăng thuế tại thị trường Mỹ, ông Trương Thanh Viện, Chủ tịch HĐQT HTX điều hữu cơ Truecoop (Ninh Thuận) cho rằng, đó là câu chuyện cạnh tranh công bằng. Khi đã kinh doanh, chúng ta cần có quan điểm thẳng thắn, tự tin và chủ động.
“Cứ đi rồi sẽ tới. Thị trường Mỹ rất rộng lớn với khoảng 360 triệu dân, đặc biệt ở đó có nhiều kiều bào, người lao động từ các nước khác tới rất đông nên nhu cầu tiêu thụ rất cao. Mỗi DN cần có một mục tiêu ở từng thời điểm cụ thể. Chúng ta cần có sự chủ động và các động thái bảo vệ mình trước, làm sao cho phù hợp. Hiện tại, ở HTX điều hữu cơ Truecoop chúng tôi xuất khẩu tại thị trường châu Âu là chính – một thị trường được coi là khó khăn nhất nhưng lại chiếm 90% sản phẩm. Thị trường Mỹ 2%, ngoài ra là Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Viện thông tin.
Thống kê từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI chi nhánh ĐBSCL) mới đây cho thấy, tính riêng tại vùng ĐBSCL có đến 84% doanh nghiệp bày tỏ lo ngại chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thách thức lớn hơn nằm ở các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với đặc thù vùng ĐBSCL chủ yếu xuất khẩu nông, thủy sản, những ngành đòi hỏi chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu. Bài toán chất lượng cần có sự phối hợp của nhiều tác nhân trong chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ để đàm phán điều chỉnh lại mức thuế sao cho có lợi cho nông sản Việt Nam. Một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
Với những thay đổi về thuế nhập khẩu của Mỹ, các ngành hàng nông lâm, thuỷ sản Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt và chủ động để giảm thiểu tác động, đồng thời tìm kiếm cơ hội từ các thị trường khác để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông lâm, thủy sản trong năm 2025.
“Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải hết sức mềm dẻo để làm sao vận dụng một cách hiệu quả nhất về sản lượng giá trị nông sản Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng ta cũng sẽ chủ động cùng với Mỹ có kịch bản để xử lý một cách hài hòa hóa thương mại hai chiều”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nói.
Hồng Hương