Thừa tiền, hút tiền và nền kinh tế đang chệch hướng?

Một trong những nguyên nhân khiến cho VN-Index lao dốc được cho là bắt nguồn từ việc NHNN đã thực hiện công cụ hút tiền về thông qua phát hành tín phiếu, bởi hệ thống ngân hàng thương mại đang thừa tiền.

Nền kinh tế thật vẫn đang rất cần vốn để tăng trưởng.

Tiền có thừa hay không?

Theo GS. Trần Ngọc Thơ, trước tiên phải hiểu được việc hút tiền về của NHNN. Thực ra việc hút tiền về thông qua phát hành tín phiếu của NHNN thì NH trung ương (NHTW) các nước trên thế giới vẫn làm và gọi đây là hoạt động trên thị trường mở.

Nhưng có điểm khác biệt cần phải lưu ý, NHTW hút tiền về thường thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). TPCP thường có kỳ hạn rất dài, nên lượng tiền này sẽ được giữ tại NHTW thời gian rất lâu có thể sẽ khiến thanh khoản cạn kiệt. Còn tín phiếu của NHNN phát hành trong thời gian vừa qua có kỳ hạn rất ngắn với 28 ngày, trong khi hoạt động này ở nhiều NHTW các nước chỉ đưa ra các kỳ hạn 4, 5 hay 7 ngày.

Như vậy hiểu chính xác đây không phải là một hoạt động hút tiền và để vĩnh viễn trong một tài khoản đặc biệt của NHNN, mà chỉ là một hoạt động điều tiết thường xuyên của khối lượng tiền tệ, khối lượng thanh khoản đang lưu hành trong nền kinh tế.

Thực ra, một số NHTW như Hàn Quốc, Hồng Kông đặt tên công cụ này là tín phiếu ổn định tiền tệ. Bởi nền kinh tế sẽ có lúc dư thanh khoản, có lúc thừa thanh khoản tạm thời. Nhiệm vụ của phát hành tín phiếu ổn định tiền tệ không phải một hoạt động hút hẳn tiền về làm cho nền kinh tế khô hạn, thay vào đó chỉ để bình ổn thị trường trong thời gian trước mắt.

Còn việc thừa tiền để dẫn đến việc NHNN phát hành tín phiếu, nói như GS. Trần Ngọc Thơ là vấn đề phức tạp và phải có cách nhìn tổng hợp từ góc độ NHTW.

GS. ví von các NHTM như các hồ chứa nước nhỏ, NHTW là một hồ chứa nước lớn, từng hồ chứa nước nhỏ có thể đang thừa lượng nước (hiểu là đang thừa tiền), nhưng góc độ của hồ chứa nước lớn lại không phải thừa nước. Bởi lẽ chúng ta bàn về thanh khoản mà quên đi ngoài nền kinh tế thực có rất nhiều cánh đồng đang khô hạn và rất cần nước. Như vậy từng NH thừa thanh khoản nhưng tổng thể nền kinh tế đang khát thanh khoản.

TTCK có bị lợi dụng?

Có lẽ không một nhà đầu tư nào không biết và đều hoảng loạn khi liên tục 2 tuần qua TTCK lao dốc và nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do NHNN phát hành tín phiếu.

Giải đáp vấn đề này, TS. Lê Đạt Chí cho rằng các tổ chức tài chính ở Việt Nam và nhiều nhà đầu tư cũng như nhiều các cơ quan liên quan, đã cố tình sử dụng thông tin này như là một ẩn ý cho chiến lược của riêng họ. Và họ dự báo hành động hút tiền của NHNN thông qua công cụ tín phiếu kỳ hạn 28 ngày nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Và sự cố tình hiểu nhầm này được nhân rộng lên thông qua truyền thông đã gây tác động tâm lý bất lợi cho các nhà đầu tư trên TTCK, đặc biệt là các nhà đầu tư thiếu kiến thức, thiếu những công cụ đầu tư phòng ngừa lại với các trạng thái này. Có thể dễ nhìn thấy một số nhà đầu tư thông minh đều đứng ngoài cuộc chơi.

Và có lẽ trước một xu hướng tăng TTCK cần phải có một nhịp để điều chỉnh, và hành động của NHNN đã tạo ra một cơ hội rất tốt để các tổ chức, đặc biệt là các công ty chứng khoán đưa ra nguyên nhân.

Rõ ràng việc thiếu chuẩn mực của các thành viên tham gia thị trường đã trục lợi trên các hành động này, thậm chí một số công ty chứng khoán còn công khai xuất bản các báo cáo cho rằng NHNN trong đợt này sẽ phải hút một lượng tiền khổng lồ và lượng tiền hút tuần qua chưa đủ.

Nghĩa là họ đang có ý đồ truyền tải sẽ còn những đợt rút tiếp theo và TTCK sẽ còn lao dốc, để dẫn dắt tâm lý của đám đông, tức những nhà đầu tư tham gia thị trường. Thật ra việc NHNN rút tiền về thông qua phát hành tín phiếu với con số bao nhiêu có lẽ chỉ NHNN biết vì mỗi NHTM đang thừa bao nhiêu tiền.

Một nền kinh tế thực đang khát vốn

Như GS. Thơ ví von, chúng ta có một cánh đồng rất lớn, đó là nền kinh tế thực. Hiện tại nền kinh tế thực tăng trưởng tốt so với các nước, nhưng so với sản lượng tiềm năng có lẽ còn thiếu hụt. Cụ thể kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,5%, nhưng 9 tháng tăng trưởng chưa tới 5%. Điều đó cho thấy nền kinh tế thực đang rất cần vốn từ hệ thống NHTM để hỗ trợ cho sự lớn mạnh.

Việc kết luận phát hành tín phiếu của NHNN thời gian vừa qua để rút tiền trong lưu thông, tức rút thanh khoản của hệ thống NHTM do thừa tiền có vẻ hơi trầm trọng hóa nghiệp vụ, bởi đó là công cụ điều tiết lượng tiền giữa các hồ chứa nước nhỏ với hồ chứa nước lớn của NHNN.

Tuy nhiên vấn đề sẽ trầm trọng nếu như công cụ này liên tục thực hiện, tức sau 28 ngày lại tiếp diễn, trong khi nền kinh tế đang khát vốn. Điều này phải chăng NHNN đang bế tắc trong việc bơm vốn ra nền kinh tế?

Thanh khoản đang dư thừa trong hệ thống NHTM, nhưng ngoài nền kinh tế thực đang rất cần mà không với được. Như vậy từng NH thừa thanh khoản nhưng tổng thể nền kinh tế đang khát thanh khoản.

Theo TS. Lê Đạt Chí, NHNN cần phải phối hợp các đơn vị bộ, ngành khác để làm sao nền kinh tế thực được tưới tiêu, tức tưới dòng vốn đó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu NHNN hoặc các bộ ngành khác không tạo ra những đường ống, những kênh dẫn nước sang nền kinh tế thực, khát vốn vẫn tiếp diễn.

Đặc biệt lúc này cần dẫn nước đến những ruộng lúa ở xa hồ nước, đó là những doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đang cần dòng vốn để duy trì, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì dẫn nước vào những cánh đồng gần các hồ nước là ngành bất động sản vốn luôn tiếp nhận khá dễ dàng nay bị gián đoạn.

Tóm lại, NHNN không thể nào chuyển một công cụ đang hoạt động bình thường sang một cách thường xuyên, tức cứ sau 28 ngày lại tiếp tục điều tiết lượng tiền giữa các hồ chứa nước. Công việc của NHNN ngoài kiểm soát cung tiền trong nền kinh tế còn phải thúc đẩy, có nghĩa là bơm vốn cho nền kinh tế thực.

Những công cụ điều tiết đó là sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN thông qua kênh kỳ hạn dài từ trái phiếu chính phủ hoặc tín phiếu kỳ hạn dài.

Lượt xem: 8
Tác giả: Trần Hải
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật