Thứ trưởng Bộ Tài chính: Các chính sách cắt giảm thuế, phí giúp kiểm soát lạm phát

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong quý I/2022.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng vừa có trao đổi với báo chí về diễn biến và hiệu quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, từ đầu năm đến nay giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động mạnh mẽ đến thị trường trong nước. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị, tác động đến giá cả hàng hóa, trong đó có lương thực, thực phẩm tăng đột biến.

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã kéo theo giá cả tăng, trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu, đã tác động lên lạm phát.

Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát cũng tăng cao. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1/1982. Lạm phát tại Anh tháng 2 tăng 6,2% mức cao nhất trong 30 năm qua. Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam.

Ở Việt Nam, lạm phát bình quân quý I/2022 năm nay so với năm trước tăng 1,92%, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đây là mức tăng vừa phải.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết để đạt kết quả đó có tác động về điều chỉnh chính sách tài khóa trong đó có điều chỉnh chính sách thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Các chính sách cắt giảm thuế, phí giúp kiểm soát lạm phát
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng (Ảnh: MOF)

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (trừ một số nhóm hàng); Đồng thời cũng giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước, thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không…

Ngoài ra, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Nhờ đó, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… Ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135 nghìn tỷ đồng, trong thời gian từ 3-6-9 tháng. Như vậy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng, tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào sẽ giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế trong quý I/2022", Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, chúng ta phải xử lý đồng thời cả 3 hướng.

Trong đó, một là giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy, hai là thúc đẩy cung hàng hóa và thứ ba là làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Về tổng thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã họp và các bộ, cơ quan trung ương cơ bản đã thống nhất từ nay đến cuối năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp.

Thứ hai, chúng ta thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, để tăng cung hàng hóa trong nước. Thứ ba, làm tốt công tác điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, theo ông Hưng là cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ, mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.

Lượt xem: 178
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật