Thay đổi căn bản về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân

 Đồng chí Phạm Thanh Học, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 68 mang tới sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

- Phóng viên: Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì liên tiếp 2 cuộc họp vào ngày 7/5 và 8/5 về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, để trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra. Đồng chí cho biết sự thay đổi trong cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân qua các giai đoạn lịch sử. Hiện nay, kinh tế tư nhân được nhìn nhận là một trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội nói chung, và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng?

- Đồng chí Phạm Thanh Học: Điểm mới nổi bật, mang tính đột phá sâu sắc của Nghị quyết 68 chính là sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

Sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân

Đồng chí Phạm Thanh Học, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm "Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai" do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, tháng 9/2024.

Khu vực kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12/1986, nhưng trong rất nhiều năm, vẫn bị xem là một bộ phận hỗ trợ và gặp không ít trở ngại trong quá trình gia nhập thị trường. Tới Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thì khu vực này được nhắc đến như một “thành phần” quan trọng của nền kinh tế, được tạo điều kiện phát triển. Nhận thức về kinh tế tư nhân như vậy, có sự cải thiện theo tiến trình phát triển của nền kinh tế và đất nước.

Nghị quyết 68 đã đưa tới bước chuyển có tính đột phá đối với kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế. Sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt này không chỉ là sự thay đổi về mặt ngôn từ, mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới.

Sau gần 40 năm Đổi Mới, đặc biệt là giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế tư nhân Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ là một thành phần kinh tế nhỏ bé, kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh về số lượng, quy mô và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn vào GDP, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

- Phóng viên: Trong quá trình công tác của mình, đồng chí đã chứng kiến sự thay đổi, giai đoạn khó khăn, và phát triển của doanh nghiệp tư nhân như thế nào. Đồng chí có thể cho một vài ví dụ, câu chuyện để làm rõ?

- Đồng chí Phạm Thanh Học: Hiện tại, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có nhiều cái tên nổi bật, xuất sắc. Các tập đoàn, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường nội địa, mà còn mạnh dạn đầu tư, tham gia ngày càng sâu vào các lĩnh vực kinh tế then chốt như công nghiệp nặng, xây dựng, công nghệ số, tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp...

Sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học tham quan triển lãm ảnh.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được các quy trình sản xuất hiện đại, tự tin cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Không dừng lại ở đó, với khát vọng vươn ra biển lớn, các "ông lớn" tư nhân Việt Nam đã và đang từng bước định vị thương hiệu quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Những sản phẩm "Made in Vietnam" mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trong quá khứ và trên thực tế, khu vực này vẫn còn gặp không ít rào cản về cơ chế, chính sách, về sự cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận nguồn lực. Chúng ta có thể thấy nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân vẫn liên tục phản ánh về các quy trình đầu tư, đấu thầu khó khăn, kéo dài; hay các hiện tượng thanh kiểm tra nhiều lần trong năm mang tính chất “hành doanh nghiệp” hơn là để phát hiện sai phạm và hướng dẫn tuân thủ pháp luật hiệu quả; rồi các cơ chế xin - cho nhũng nhiễu, chi phí không chính thức …

Bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng phần lớn là nhỏ, siêu nhỏ chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, với nguồn vốn và nội lực hạn chế, nên những giai đoạn xảy ra các khủng hoảng thị trường toàn cầu và trong nước như giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, hay bối cảnh covid và khủng hoảng kinh tế hậu covid, đây cũng là thành phần dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế.

Do đó, kinh tế tư nhân “chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng”.

Nghị quyết 68, bằng việc xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất, đã chính thức đặt khu vực này vào vị thế trung tâm của quá trình phát triển. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, đồng thời mở ra một chương mới, nơi mọi tiềm năng và khát vọng cống hiến của khu vực này được khơi dậy và phát huy tối đa.

Việc trao cơ hội lịch sử này không chỉ thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực nội tại của kinh tế tư nhân, mà còn là một quyết sách chiến lược để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tự lực, tự cường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến và dự báo còn rất nhiều biến động.

- Phóng viên: Thời gian tới, kinh tế tư nhân sẽ được tạo điều kiện tối đa về mặt thể chế, pháp luật để vươn lên tầm cao mới. Theo ý kiến của đồng chí, có những nút thắt nào cần tháo gỡ nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên?

- Đồng chí Phạm Thanh Học: Vừa qua, Trung Quốc đã ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân gồm 9 chương, 78 điều, bao phủ toàn diện các khía cạnh then chốt như: Bảo đảm cạnh tranh công bằng và tiếp cận bình đẳng với nguồn lực (vốn, đất đai, dữ liệu, nhân lực...) cho khu vực kinh tế tư nhân; Khuyến khích đầu tư - tài chính - đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia các dự án chiến lược quốc gia; Chuẩn hóa quản trị và hành vi kinh doanh: nâng cao năng lực nội bộ, tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội; Tăng cường dịch vụ công, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngăn chặn hành vi xâm phạm từ phía công quyền hoặc các chủ thể khác; Thiết lập cơ chế thực thi và chế tài xử lý vi phạm, đảm bảo công bằng pháp lý.

Cầu Nhật Tân là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội được triển khai xây dựng đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại.
Một góc Hà Nội

Để có Luật với sự coi trọng và tinh thần phát huy kinh tế tư nhân mạnh mẽ như vậy, từ những năm 1980, Trung Quốc đã từng bước mở rộng vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, song hành với cải cách thể chế, tài chính và công nghệ.

Đặc biệt, từ Đại hội XIX (năm 2017) đến Đại hội XX (năm 2022), nước này tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của khu vực tư nhân, với chiến lược “vừa hỗ trợ vừa kiểm soát”. Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch - ổn định, giảm rào cản pháp lý và chi phí không chính thức. Doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận tín dụng ưu đãi, giảm thuế - phí và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Theo số liệu nghiên cứu, năm 1978, Trung Quốc chỉ có 155.000 hộ kinh doanh; đến năm 2024, con số này đã tăng vọt lên hơn 55 triệu doanh nghiệp tư nhân và 124 triệu hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân nước này đóng góp khoảng 60% GDP, 50% thu ngân sách và tạo ra 80% việc làm ở khu vực thành thị. Kinh tế tư nhân còn chiếm tới 92% số doanh nghiệp Trung Quốc, đóng góp hơn 70% sáng chế công nghệ cao và chiếm hơn 80% trong tổng số 14.600 “công ty khổng lồ nhỏ” - những doanh nghiệp công nghệ quy mô vừa có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Kinh nghiệm thực tiễn từ Trung Quốc là minh chứng cho thấy sức mạnh của định hướng chiến lược đúng đắn. Với những quyết sách mang tính đột phá của Nghị quyết 68, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân, nhất là với 5 quan điểm chỉ đạo, 8 nhiệm vụ, giải pháp rất căn bản, có tính đột phá và bao trùm, thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc những rào cản và nhu cầu phát triển của khu vực này.

Nổi bật, Nghị quyết nhấn mạnh việc khơi thông dòng chảy của tư duy, nhận thức và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Điều này bao gồm việc rà soát, sửa đổi và bãi bỏ các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt, Nghị quyết tập trung vào việc bảo đảm quyền tài sản hợp pháp, quyền tự do kinh doanh thực chất, tạo sân chơi bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai, công nghệ, thông tin) và cơ hội thị trường. Các giải pháp cụ thể như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình được đặc biệt chú trọng.

Một khi những giải pháp đột phá trong Nghị quyết 68 được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, chắc chắn sẽ tạo ra luồng gió mới, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng và sức sáng tạo của kinh tế tư nhân, đưa khu vực này thực sự trở thành động lực quan trọng nhất, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 10
Tác giả: Vũ Cường