Nghị quyết số 68-NQ/TW: Đòn bẩy chiến lược đưa kinh tế tư nhân vươn tầm khu vực

Với tầm nhìn dài hạn, Nghị quyết số 68/NQ-TW được kỳ vọng tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân, động lực để Việt Nam vươn lên nhóm quốc gia phát triển.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Động lực trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia

Nghị quyết số 68/NQ-TW của Bộ Chính trị khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế,” đồng thời vạch ra tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng một khu vực tư nhân phát triển nhanh, bền vững và có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Mục tiêu dài hạn là giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Theo ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Tập đoàn VinaCapital, điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị quyết số 68/NQ-TW là việc đặt mục tiêu phát triển ít nhất 20 tập đoàn tư nhân lớn trước năm 2030. Đây sẽ là những doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt công nghiệp hóa và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mô hình này được thiết kế dựa trên kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, với các chaebol như Samsung, Hyundai đã trở thành trụ cột kinh tế.

Nghị quyết số 68/NQ-TW cũng thể hiện quyết tâm cải cách thể chế: Xóa bỏ phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, FDI và tư nhân trong nước; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để nhường không gian phát triển cho tư nhân; cải thiện khung pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo sân chơi công bằng.

Đặc biệt, việc hình thành các cơ chế tín dụng chuyên biệt, hỗ trợ tài chính và chính sách thuế ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân – một yếu tố sống còn để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân

Theo báo cáo mới công bố của VinaCapital, Nghị quyết số 68/NQ-TW là “cú huých cải cách mang tính bước ngoặt,” mở ra cơ hội tăng trưởng chưa từng có cho khu vực kinh tế tư nhân. Trong suốt quá trình xây dựng Nghị quyết, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), với sự tham gia của ông Don Lam – Tổng Giám đốc VinaCapital, đã đóng vai trò tư vấn chính sách quan trọng. 

 

Ông Don Lam – Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – hiện là Phó Chủ tịch Ban IV. Cùng với các thành viên khác, ông đã tích cực đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc đối với doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Ban IV hoạt động với nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững.

Ban IV xác định ba rào cản lớn cần tháo gỡ để khu vực tư nhân phát triển: Khoảng cách công nghệ, hạn chế tiếp cận vốn và năng lực quản trị còn yếu. VinaCapital cho rằng, Nghị quyết số 68/NQ-TW đã bước đầu giải bài toán này bằng việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ chính sách tài khóa, tín dụng cho đến hạ tầng pháp lý.

Từ góc độ đầu tư, chuyên gia của VinaCapital nhận định Nghị quyết sẽ tạo lực hút mạnh mẽ với dòng vốn cổ phần tư nhân (private equity). Cùng với đó, tinh thần khởi nghiệp được Nghị quyết số 68/NQ-TW đặt ngang hàng với một phần bản sắc quốc gia. Các doanh nhân Việt Nam được tôn vinh là “chiến binh thời bình,” và sẽ được bảo vệ pháp lý tốt hơn, được truyền thông tích cực hơn và được hỗ trợ chuyên sâu thông qua các gói hỗ trợ thiết kế riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và startup.

“Đây là một văn kiện mang tính bước ngoặt, nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, đồng thời đưa ra một tầm nhìn cụ thể cho việc phát triển khu vực tư nhân theo hướng nhanh, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu”, báo cáo của VinaCapital nhấn mạnh.

Nghị quyết số 68/NQ-TW không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, mà còn mở ra hành lang thể chế và tài chính cần thiết để khu vực này bứt phá. Với tầm nhìn dài hạn và sự đồng hành của khu vực đầu tư, Việt Nam đang từng bước kiến tạo một khu vực tư nhân năng động, đổi mới, đủ sức cạnh tranh và đóng vai trò đầu tàu đưa nền kinh tế quốc gia tiến lên nhóm nước phát triển vào năm 2045.

Lượt xem: 5
Tác giả: Hoàng Minh