Thanh toán phi tiền mặt cần ngân sách trợ lực
Ngày 15/1, Vụ Truyền thông, NHNN phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt tại TP.HCM. Tại Hội thảo này, các chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán đến từ các NHTM và các doanh nghiệp đã chia sẻ khá nhiều giải pháp phát triển hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Đủ pháp lý cho nhiều hình thức thanh toán
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến thời điểm đầu quý IV/2018, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công tại Việt Nam đã có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương 80% cán bộ, công chức, viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng. Hiện cả nước có 76 NHTM cung cấp dịch vụ Internet Banking và 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động, 26 tổ chức được NHNN cấp phép trung gian thanh toán trong đó 23 tổ chức cung ứng ví điện tử.
Theo ông Dũng, để thúc đẩy phát triển mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay chủ trương của NHNN trong lĩnh vực thanh toán là rất cởi mở. Trong các năm 2017-2018 ngoài việc ban hành các kế hoạch, quyết định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin của các TCTD giai đoạn 2017-2020 (Quyết định 488/2017), áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ (Quyết định 630/2017), NHNN cũng đã hoàn thành xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip dành cho thẻ thanh toán nội địa (Bộ tiêu chuẩn VCCS) và ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật của QR Code để các NHTM triển khai dịch vụ thanh toán QR Code trên thị trường với khoảng 30.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech đồng thời xây dựng và nâng cấp hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia (IBPS) làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới cũng như đưa vào vận hành hệ thống bù trừ tự động (ACH) phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ trong năm 2019.
Khẳng định việc NHNN chỉ đạo các TCTD đã và đang đẩy mạnh phát triển TTKDTM theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, ngay trong tháng đầu năm mới 2019, để cụ thể hóa và triển khai ngay những nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 01 và 02 năm 2019, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tập trung thúc đẩy ngay việc áp dụng tiêu chuẩn QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code. NHNN cũng sẽ nghiên cứu, báo cáo sớm với Thủ tướng Chính phủ về phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua các ngân hàng.
Sớm công khai danh mục giao dịch thanh toán không tiền mặt Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, ngay trong quý I/2019 NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống TCTD triển khai ngay việc áp dụng tiêu chuẩn QR Code; nghiên cứu phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng, xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử để có thể báo cáo Chính phủ trước quý III/2019. Trong năm 2019, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản. |
Cần chung tay đầu tư từ xã hội
Để thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với những khu vực cơ quan đơn vị thuộc Chính phủ và dịch vụ hành chính công. Đại diện các NHTM cho rằng ngân sách Nhà nước và các địa phương cần tính toán để hỗ trợ một phần chi phí cho các đơn vị hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán tích hợp với các mô hình thanh toán của các ngân hàng.
Theo Vụ Thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2018, giao dịch thanh toán qua kênh Internet đạt 127 triệu món với giá trị giao dịch 8.020 tỷ đồng |
Ông Từ Tiến Phát - Phó tổng giám đốc ACB cho rằng hiện nay mặc dù ngân hàng này cởi mở và chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ tài chính và các đơn vị hành chính, dịch vụ công (như bệnh viện, trường học…) để phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất mà các đơn vị đối tác chấp nhận thanh toán thẻ gặp phải khi phát triển các mô hình thanh toán học phí, viện phí bằng hình thức quẹt thẻ hoặc thanh toán phi tiếp xúc là vấn đề chi phí đầu tư hạ tầng cũng như các lo ngại về mức phí, mức thuế phải trả khi thực hiện thu tiền qua ngân hàng. Hiện nay để đầu tư một gói hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho các trường học, bệnh viện thường phải tốn kém khoảng 30-100 triệu đồng với thời gian hoàn thành khoảng 5-6 tháng. Hầu hết ngân sách của các đơn vị đều không có kế hoạch dự toán cho phần kinh phí này vì thế các ngân hàng đều phải trực tiếp đầu tư như một chiến lược mở rộng khai thác thị trường thanh toán. Các khoản thu phí ban đầu hầu như cũng phải miễn giảm đáng kể cho các đơn vị đối tác chấp nhận thanh toán thẻ. Vì vậy khả năng phát triển mạnh các mô hình thanh toán ở các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… sẽ gặp khó khăn nếu không được ngân sách từ trung ương hoặc các địa phương hỗ trợ (các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ).
Đồng quan điểm, đại diện Vietcombank cho rằng, trong bối cảnh NHNN rất tích cực trong việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho các hình thức thanh toán không tiền mặt thì những năm tới công nghệ thanh toán sẽ có những thay đổi rất lớn. Để khuyến khích người dân thay đổi thói quen dùng tiền mặt, Chính phủ nên có chủ trương đi từ khuyến khích đến bắt buộc các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước tham gia thanh toán điện tử, ví dụ như miễn, giảm trừ thuế cho phần doanh thu của doanh nghiệp được thanh toán qua kênh điện tử. Ngoài ra, cần bắt buộc các hệ thống, cửa hàng bán lẻ khi được cấp giấy phép kinh doanh phải luôn kèm theo phương tiện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; các giao dịch mua bán giá trị cao của người dân phải được thực hiện qua kênh điện tử.
Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, hiện tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM mặc dù đã đạt 90,5%. Đến cuối năm 2018, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã hợp tác với 23 ngân hàng và 9 đối tác để thu tiền điện khách hàng qua 2.279 máy ATM, 6.973 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng, các siêu thị tiện ích, hoặc qua SMS; Mobile, Internet Banking...
Tuy nhiên, các diễn giả tại hội thảo đều có chung một nhận định, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các NHTM và các đơn vị hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kết nối thanh toán. Với các TCTD cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu và phát triển các hình thức thanh toán hiện đại vào cuộc sống và xem đây như một giải pháp để tối ưu hóa nguồn thu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiếp tục đầu tư sâu vào bảo mật thanh toán Theo ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN), trong giai đoạn 2019-2020 ngoài việc thực hiện các giải pháp liên quan đến hoàn thiện môi trường chính sách, riêng trong lĩnh vực công nghệ bảo mật, NHNN sẽ tập trung triển khai rà soát, đánh giá rủi ro và thực hiện các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ vòng đời của một hệ thống thông tin. Song song đó yêu cầu các TCTD trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát các giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận trong thanh toán. Cùng với đó, NHNN cũng sẽ yêu cầu các TCTD xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng, xây dựng và triển khai diễn tập quy trình, kịch bản ứng phó với các sự cố an toàn thông tin mạng và các giao dịch thanh toán. |