Tập trung thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng
Sáng 22/6, Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP đã chủ trì hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm; Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo.
Quang cảnh hội nghị |
Chủ động triển khai thực hiện QCDC trong một số loại hình
Báo cáo kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của TP 6 tháng đầu năm cho thấy: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội (CT-XH) TP đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt việc thực hiện QDCD ở cơ sở.
Cụ thể, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Toàn TP có 5.393 thôn, làng, TDP, khu dân cư và 579/579 xã, phường, thị trấn hoàn thành tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân với 769.274 đại biểu tham dự, 29.528 ý kiến đóng góp.
MTTQ và các tổ chức CT-XH cơ sở đã phối hợp với Tổ dân vận và chính quyền đồng cấp làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. Kết quả, đã hòa giải thành 1.473/1749 vụ việc (84,3%).
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân với 4.844 lượt người, tiếp nhận 5.039 đơn (đã giải quyết 2.394 đơn, đang giải quyết 2.645 đơn).
Các Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức 2.466 cuộc giám sát, phát hiện 296 vụ vi phạm, đã giải quyết 278 vụ việc (93,9%). Qua giám sát, đã kiến nghị thu hồi 190m2, thu hồi 13,5 triệu đồng. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 2.038 công trình, dự án, phát hiện 89 vụ vi phạm, kiến nghị xử lý kịp thời 80 vụ. Ngoài ra, các Ban đã phối hợp giám sát 1.745 vụ việc về quản lý trật tự xây dựng, 528 vụ về quản lý đất đai ,950 vụ thực hiện dân chủ ở cơ sở và 381 vụ việc ở lĩnh vực khác.
Việc thực hiện QCDC gắn với công tác cải cách hành chính được các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chú trọng. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng Công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện QCDC ở nơi làm việc, về tổ chức Hội nghị Người lao động, đã có 62/62 doanh nghiệp Nhà nước (100%), 67,78% doanh nghiệp FDI (67,78%) và 2.968/4.183 doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức.
Bên cạnh đó, thực hiện QCDC ở cơ sở trong loại hình mới (gồm: Công tác giải phóng mặt bằng, công tác thuế, công tác quản lý trật tự xây dựng, trường ngoài công lập và khối chợ) được tích cực triển khai với những kết quả đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, một số địa phương đã chủ động triển khai thực hiện QCDC trong một số loại hình. Tiêu biểu, quận Hoàn Kiếm xây dựng QCCD trong công tác đảm bảo an sinh xã hội; Tổ chức chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội tới 11.050 lượt đối tượng với tổng số tiền 7,49 tỷ đồng; Chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng tới 8.670 lượt người có công với số tiền 15,2 tỷ đồng; Chi trả trợ cấp đến 30 người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ cận nghèo 370 triệu đồng.
Quận Long Biên đã triển khai thực hiện QCDC trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, công tác quản lý trật tự đô thị và bảo vệ môi trường.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận cuộc họp |
Củng cố hơn nữa sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, dự án
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác của các thành viên Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, việc thực hiện QCDC trong các loại hình, lĩnh vực đã đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhận thức về thực hiện QCDC của người đứng đầu ở một số cơ quan còn chưa đầy đủ; Thường coi đây là nhiệm vụ của công đoàn, trong khi theo quy định người đứng đầu phải tổ chức thực hiện QCDC, công đoàn giám sát việc thực hiện đó.
Đồng chí lưu ý các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ rà soát lại để có giải pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung thực hiện thêm 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến chỉ đạo tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai, bảo đảm các điều kiện cần thiết để TP thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định, thông tư có liên quan có hiệu lực từ tháng 7 tới.
Ban Chỉ đạo các cấp và các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung, quan tâm chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng trên tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, làm đến đâu dứt điểm đến đó.
Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục rà soát triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Ban chỉ đạo trong năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ; Cùng với TP tham gia thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, trọng tâm là theo dõi, giám sát, thúc đẩy tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức…
Cũng theo chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo và các thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt chủ trương và nghị quyết của TP về phân cấp, ủy quyền; Bảo đảm thực chất, hiệu quả, sát thực tiễn.
Đồng thời, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tăng cường hơn nữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận đối thoại; Củng cố mạnh mẽ hơn nữa niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, dự án của TP.
Liên đoàn Lao động TP bám sát tình hình, nhất là những doanh nghiệp khó khăn, phức tạp, có giải pháp chủ động giữ ổn định mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp, phấn đấu để không xảy ra đình công, lãn công.
Trưởng ban Chỉ đạo giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng kết luận giao ban để chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, trên tinh thần đi thẳng vào những công việc cụ thể, những vấn đề cụ thể, ở địa bàn cụ thể để phục vụ tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.