Tạo bước đột phá trong phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô
Sáng 4/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các đồng chí: Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì hội nghị.
Đề xuất 10 chính sách mới
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phát biểu tại Hội nghị |
Trình bày Dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Ngày 5/12/2018, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội.
Để cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp với mục tiêu, điều kiện, thực tiễn sản xuất nông nghiệp của TP; Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; Đồng thời, thực hiện thành công các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP đến năm 2025 và những năm tiếp theo, UBND TP đề xuất: Sửa đổi, bổ sung 3 nội dung; Không thực hiện 5 nội dung; Đề xuất 10 chính sách mới.
TP cũng đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội, gồm: Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sấy, sơ chế, bảo quản giống, bảo quản nông sản; Chính sách hỗ trợ quản lý chất lượng và chuyển đổi số trong nông nghiệp; Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn TP khoảng 1.691,9 tỷ đồng/năm, trong đó, Ngân sách Thành phố: 459,9 tỷ đồng/năm; Ngân sách cấp huyện: 217 tỷ đồng/năm; Nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân: 1.015 tỷ đồng/năm.
Bám sát các Nghị quyết của Trung ương về phát triển Thủ đô
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng đây là việc làm cần thiết, có tính pháp lý để các cấp, các ngành giúp nông nghiệp, nông thôn có bước đi, việc làm hiệu quả, thiết thực. Song, để Nghị quyết có hiệu quả thì việc quan trọng là phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Việc này có ý nghĩa quyết định, then chốt đến việc thành công hay không thành công khi thực hiện Nghị quyết này.
Tiến sĩ Bùi Thị Xô góp ý vào dự thảo |
Tiến sĩ Bùi Thị Xô, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội nhấn mạnh, cần làm rõ vai trò của nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ đô, nền kinh tế Thủ đô với kinh tế của các vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác.
Phải xác định sản phẩm đặc thù của Hà Nội là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp du lịch, sinh thái. Hà Nội phải tận dụng được nguồn lực từ các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trên địa bàn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Muốn vậy phải có dự án, quy hoạch, vùng chuyên canh sản xuất.
Vì vậy, cần đầu tư địa điểm sản xuất giống cây lương thực, giống cây thực phẩm, giống hoa, giống quả, giống gia súc, giống thủy sản để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất lâu dài. Muốn có chính sách đầu tư phải có dự án cụ thể; Nguồn vốn đầu tư nên tập trung vào một mối để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Ngoài ra, nên có chính sách khuyến khích phát triển mô hình trang trại, khuyến khích doanh nghiệp trẻ, thanh niên tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
PGS.TS Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về phân tích, tổng hợp Dư luận xã hội cho biết: Các chính sách đặc thù trong dự thảo khá phong phú. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội thiếu các trung tâm nghiên cứu giống, cây trồng công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở hợp tác quốc tế và các trung tâm nghiên cứu khoa học nông, lâm, ngư nghiệp trong nước; Chưa có chính sách thu hút người tài mà mới chỉ chú ý tới bằng cấp, các chuyên gia, các hội đồng…
Do vậy, phải lấy chất lượng sản phẩm làm tiêu chí đánh giá hoạt động sản xuất. Trong sản xuất phải có cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai trên mọi lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thì mới thu hút được nhân tài và các nhà đầu tư.
Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất cần làm rõ hơn về tổng thể nông nghiệp của Hà Nội như: Sản xuất trực tiếp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; Đây là nền nông nghiệp đa dạng gắn với nông nghiệp ven đô, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái và quy tụ nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, cần phải nêu rõ thực trạng và sự cần thiết của các chính sách và mô tả được nông nghiệp, nông thôn Hà Nội sẽ thế nào nếu thực hiện các chính sách này...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương ghi nhận 13 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thể hiện sự thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết các chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP.
Các ý kiến cũng thể hiện sự tâm huyết, gửi gắm vào việc phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng xứng tầm, không chỉ trong kinh tế Thủ đô mà ở Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo; Nghiên cứu kỹ hơn các Nghị quyết, chương trình của Trung ương và TP làm cơ sở pháp lý về mặt chính trị; Tạo sự vượt trội tại Nghị quyết lần này để có bước đột phá trong phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, không chỉ ở xây dựng Nông thôn mới, các xã thành phường mà cần hướng vào xây dựng Vành đai xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...