Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, xử lý TCTD yếu kém gặp nhiều khó khăn

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết việc tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ…

Trình bày báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIV của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên, đã ban hành 16/39 quy hoạch ngành quốc gia, 17/63 quy hoạch tỉnh; hết tháng 9 có 90/110 quy hoạch được thẩm định xong, đang hoàn thiện quy trình để trình phê duyệt (đạt 81,8%), phấn đấu hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong năm 2023.

Về đầu tư công, Phó thủ tướng cho biết được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Trong 10 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ và số tuyệt đối tăng trên 104.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2022 đạt khoảng 283,2 triệu USD (trong đó 235,39 triệu USD ODA vốn vay và 47,81 triệu USD viện trợ không hoàn lại), tăng 42,32% so với năm 2021.

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 561 triệu USD (trong 6 tháng đầu năm 2023) ký kết 97,33 triệu USD, riêng ngày 4/7/2023, Chính phủ Nhật Bản đã ký kết 3 dự án liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch, cải tạo hạ tầng giao thông và phát triển nông nghiệp trị giá hơn 61 tỷ yên (tương đương 463,67 triệu USD).

Cũng theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai theo lộ trình, kế hoạch đặt ra; an toàn hệ thống được bảo đảm; khoanh nợ, cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành tiêu chí phân loại DNNN; phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Từ đầu năm đến nay, có 45 doanh nghiệp được phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022; các đơn vị còn lại đang xây dựng Đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. 

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nêu rõ, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Cụ thể, tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 nghìn tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các DNNN còn chậm.

Bên cạnh đó, tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ…

Lượt xem: 2
Tác giả: Hoàng Sơn
Tin liên quan