Tăng cường đối thoại với người lao động

 Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cần tăng cường sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động vào cơ chế tham vấn, đối thoại ba bên giữa cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động...

Tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; Tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động; Tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đề án đưa ra các nội dung, giải pháp nhằm bảo đảm triển khai việc xây dựng, củng cố và thiết lập quan hệ lao động phù hợp với các quy định của pháp luật góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Tăng cường đối thoại với người lao động

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội

Vì thế, thời gian qua, quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô luôn ổn định, các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể đều được quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự tham gia giải quyết kịp thời của các cấp Công đoàn; Không xảy ra các điểm nóng gây mất an ninh trật tự. Công tác nắm bắt tình hình công nhân lao động và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thường xuyên, liên tục. Công tác phối hợp tham gia giải quyết các vụ việc nhanh chóng nên hạn chế được thiệt hại phát sinh, từ đó đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động và ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để có được những kết quả trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố thông qua việc ký kết, triển khai Chương trình phối hợp công tác số 04/CTr-LĐTBXH-LĐLĐ giai đoạn 2021-2025. Chương trình đặt ra những nhiệm vụ hết sức cụ thể làm cơ sở để hai đơn vị cùng triển khai thực hiện như: Phối hợp xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch của thành phố có liên quan đến công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); Tham mưu thành phố ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến CNVCLĐ.

Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Thủ Đô.

Các đơn vị cũng đã phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và các chế độ chính sách cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác nhân sự tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…

Trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, các đơn vị đã phối hợp triển khai kiểm tra thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 40 đơn vị doanh nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ kinh phí tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán và tháng Công nhân với tổng số kinh phí hỗ trợ bình quân 1 năm là trên 5 tỷ đồng tương ứng với trên 10.000 suất quà.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Nhiều nơi, chủ doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật cho người lao động, nhất là về bảo hiểm xã hội, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn tới tình trạng hưởng BHXH một lần có dấu hiệu làm giả căn cước công dân, giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền… ; Đồng thời có dấu hiệu cầm cố, mua bán sổ BHXH, lợi dụng chính sách để trục lợi trái pháp luật. Đối thoại, thương lượng giữa đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động vẫn còn hình thức, chưa thực chất; Tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể vẫn còn xảy ra trên địa bàn thành phố…

Tăng cường đối thoại với người lao động

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh

Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ thành phố và các cơ quan liên quan nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tổ chức Công đoàn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn xã hội trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo tinh thần của Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 3374/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025.

Các cấp Công đoàn tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; Tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Sở sẽ phối hợp với các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động: Tăng cường sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động vào cơ chế tham vấn, đối thoại ba bên giữa cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, người sử dụng lao động, người lao động trong việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động; Tham gia đề xuất các biện pháp giải quyết các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể ở doanh nghiệp. Đồng thời, Sở chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động thành phố để thực hiện nhiệm vụ hoà giải và giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích...

Lượt xem: 6
Tác giả: Ánh Dương
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan