Tăng cường đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, trong những năm qua, ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho giáo dục nghề nghiệp.

Kinh phí đầu tư phát triển hệ thống tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thông tin, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 là 31.420,703 tỷ đồng tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng số vốn đầu tư được phân bổ vào các chương trình, dự án, tiểu dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, 2.000 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng 3 Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Quảng Ngãi), miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).

Nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động Việt Nam
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho lao động Việt Nam

27.920,703 tỷ đồng đầu tư cho các Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG).

Trong đó gồm, 15.300 tỷ đồng cho tiểu dự án "Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn" CTMTQG giảm nghèo bền vững và 12.620,703 tỷ đồng với Tiểu dự án "Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi".

Cuối cùng là hoạt động "Nâng cao chất lượng cho đào tạo nghề cho người lao động nông thôn" thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới với 4.200 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có rất nhiều thuận lợi để có thể đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh: "Giáo dục nghề nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư

Như vậy, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2021-2025 tăng lên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phát triển dạy nghề.

Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội
Các tiết học thực hành tại Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thì việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế do chi phí đầu tư lớn. Hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn thấy đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35 và dân số ở độ tuổi đi học nhiều. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ đang tập trung vào đầu tư vào nhóm từ mẫu giáo đến lớp 12, tiếng Anh...

Số lượng nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế so với các loại hình khác nói chung và so với các bậc giáo dục khác, do một số nguyên nhân. Đó là, vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (không bao gồm giá trị về đất đai) thường rất lớn, đặc biệt là một số ngành, nghề kỹ thuật (như cắt gọt kim loại, cơ khí, chế tạo máy...).

Đầu tư lĩnh vực này tỷ suất lợi nhuận thấp do việc tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo theo lộ trình điều chỉnh giá, phí quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho các đối tượng của giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn bởi đối tượng người học chủ yếu là nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và được thực hiện đến nay mang lại một số kết quả tích cực; tuy nhiên cũng đã bộc lộ những quy định không còn phù hợp với thực tế. Do đó, năm 2021, nghị định số 60/2021/NĐ-CP ra đời nhằm khắc phục những hạn chế, tạo đà phát triển cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều này thể hiện rất rõ ở việc tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính, tăng tự chủ để các đơn vị thực hiện mức độ tự chủ, tạo đà phát triển cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong tương lai.

Ngày 6/4/2022, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Các chính sách hợp tác và đầu tư trong giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện nhằm tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Lượt xem: 21
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan