Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng, thi hành án
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Toàn cảnh phiên họp ngày 8/11 tại Hội trường Quốc hội |
Tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng còn diễn biến phức tạp
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30 tháng 9 năm 2022), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ… Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.
Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến trọng điểm; Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác.
Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm 4,56% về số vụ, giảm 9,44% về số người bị thương, nhưng tăng 7,57% về số người chết. Công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được tăng cường; tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến đặc biệt phức tạp, số vụ cháy tuy giảm 25,11% song số người chết tăng 22,09%; đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản…
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế. Đó là tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tăng cường tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân; có lộ trình tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6%
Báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm 2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, công tác của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ: Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 75,4% (vượt 5,4%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,9% (vượt 1,9%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6% (tăng 23% so với cùng kỳ và vượt 22,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội).
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí |
Ngành kiểm sát cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, còn một số ít chỉ tiêu chưa đạt, nổi lên như: Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự được chấp nhận còn thấp; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn chưa cao.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo...
“Kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: Kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị.
Tòa án đã giải quyết 88,9% số các vụ việc đã thụ lý
Báo cáo công tác của các Tòa án tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2022, các Tòa án đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra; tiếp tục thi hành hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức thi hành khẩn trương và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Các Tòa án đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; Các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Cụ thể, trong năm 2022, các Tòa án đã giải quyết 88,9% số các vụ việc đã thụ lý, cao hơn năm trước 7,7%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Về các vụ án hình sự, các Tòa án giải quyết 97,71% số vụ đã thụ lý, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội. Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.
Về nhiệm vụ công tác Toà án trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao. Xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhất là nội dung về cải cách tư pháp. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.