Quảng Ninh: Tàu cỡ nhỏ loay hoay tìm cách cập cảng Ao Tiên

Cầu cảng của Bến cảng cao cấp Ao Tiên có mức chênh độ cao giữa mũi tàu và mặt cảng quá lớn (2,5m) khiến nhiều tàu có trọng tải thấp khó khăn trong việc tìm cách cập mũi vào cảng để đưa đón khách.

Gần đây, đại diện một số nhà tàu chạy tuyến Vân Đồn đi các đảo của Quảng Ninh cho biết đang gặp khó khăn trong quá trình cho tàu cập bến tại Bến cảng cao cấp Ao Tiên, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Cụ thể, theo kế hoạch của huyện Vân Đồn, toàn bộ các tàu đang hoạt động tại Cảng Cái Rồng sẽ phải chuyển về Bến cảng cao cấp Ao Tiên từ ngày 1/4. Hiện, các tàu cao tốc chở khách trên 200 ghế ngồi, chạy tuyến Vân Đồn đi Cô Tô đã về đây hoạt động.

Để chuẩn bị chuyển về cảng mới, một số chủ tàu cao tốc loại nhỏ hơn, chủ yếu chạy từ Vân Đồn đi các xã đảo, đã đem tàu về để chạy thử. Tuy nhiên, kể cả khi thủy triều ở mức cao nhất thì các loại tàu khoảng 100 ghế vẫn thấp so với mặt bằng cảng ít nhất từ 2,5-3m.

Nguyên nhân việc tàu thuyền khó cập bến do thiết kế của cầu cảng quá cao khiến các tàu chở khách tải trọng khoảng 100 khách trở xuống khó cập mạn để đón, trả khách.

Một chủ tàu cao tốc chạy tuyến Vân Đồn - Cô Tô cho biết, mới chuyển bến đón khách từ cảng cũ Cái Rồng về cảng mới được nửa tháng. Tuy nhiên, cảng mới có quá nhiều bất cập khiến cho nhiều nhà tàu đắn đo khi đưa toàn bộ tàu về khai thác.

Theo một số chủ tàu, thông thường, mũi tàu gần bằng với mặt cảng thì tàu chỉ cần rúc mũi vào cảng và đặt một chiếc cầu ngắn là du khách, người dân có thể lên xuống dễ dàng.

Tuy nhiên, tại cảng mới Ao Tiên với mức vênh ít nhất từ 2,5-3m thì phải bắc một cây cầu dài khoảng 7m thì mới đủ độ thoải để đi lại nhưng như thế sẽ bất tiện, thậm chí không an toàn.

“Mực nước lớn nhất thì chiều cao chênh từ mũi tàu đến mặt cảng là 2,5m, rất khó cho việc tàu cập mạn. Hôm nào thuỷ triều lên cao còn dễ, hôm thuỷ triều xuống thấp chúng tôi phải loay hay hơn 30 phút mới cập mũi tàu vào cảng được”, đại diện nhà tàu cho biết.

Cầu cảng tại cảng mới Ao Tiên với mức vênh ít nhất từ 2,5-3m, khiến các tàu cao tốc loại nhỏ rất khó khăn trong việc cập cảng đón trả khách.
Cầu cảng tại cảng mới Ao Tiên với mức vênh ít nhất từ 2,5-3m, khiến các tàu cao tốc loại nhỏ rất khó khăn trong việc cập cảng đón trả khách.

Theo ông Bùi Đông, chủ đội tàu cao tốc Hoàng Vi, bến cảng Ao Tiên rất hiện đại, tiện nghi và có chỗ tránh trú bão tốt. Các chi phí sẽ cao hơn ở cảng Cái Rồng là dễ hiểu và các chủ tàu chấp nhận được.

“Tuy nhiên, để an toàn cho du khách, người dân, chúng tôi cho rằng cần phải khắc phục được tình trạng bất cập về thiết kế như trên”, ông Đông cho biết.

Ngoài ra, các nhà tàu còn phản ánh việc bậc thang từ cầu cảng xuống tàu có diện tích quá nhỏ, chỉ đủ cho một người lên hoặc xuống. Nếu hai người đi ngược chiều phải tránh nhau rất khó khăn, trong khi đó toàn bộ đều không lắp rào chắn, rất nguy hiểm.

“Nguy hiểm nhất là người già và trẻ nhỏ nếu không có người đi cùng. Các tàu ở đây phục vụ nhu cầu đi lại người dân ra đảo buôn bán là chính. Nếu vác cả kiện hàng lớn hoặc hành khách có hành lý to thì rất dễ xảy ra tình trạng mất an toàn”, thuyền trưởng chạy tàu tuyến Vân Đồn - Cô Tô chia sẻ.

Theo đại diện các nhà tàu, chủ đầu tư cần lắp thêm hệ thống bông tông nổi cùng hệ thống cầu cảng động giống tại bến cảng Hạ Long để các tàu có trọng tải thấp và tàu gỗ có thể cập mũi đưa khách lên bờ an toàn và không bị phụ thuộc vào con nước.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, do Công ty TNHH Mai Quyền làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 610 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ 1/3/2023. Bến có quy mô gần 30ha, đồng bộ, hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh; Trong đó, diện tích mặt đất 5,9ha, còn lại là mặt nước.

Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu.

Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm ở giai đoạn 2020-2025 và mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm, giai đoạn 2025-2030; Được tích hợp nhiều tiện ích, phân khu chức năng như đón hành khách, bán vé, nhà chờ, dịch vụ phụ trợ đi kèm...

Lượt xem: 5
Tác giả: Trần Huyền
Tin liên quan