Quá tin tưởng vào Nga đầu tàu kinh tế của châu Âu trật bánh
Sự phụ thuộc quá mức vào khí đốt giá rẻ của Nga cùng với nhiều nguyên nhân khách quan khác đã biến nước Đức từ "đầu tàu kinh tế" trở thành "kẻ ốm yếu" của châu Âu.
Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Đức đã gặt hái được nhiều thành công “vang dội”. Nhiều sản phẩm từ Đức như ô tô, máy móc công nghiệp đã thống trị thị trường toàn cầu. Những mặt hàng này bán chạy đến nỗi xuất khẩu chiếm tới một nửa GDP của Đức.
Việc làm dồi dào, nguồn tài chính của chính phủ tăng mạnh trong khi nhiều nước châu Âu khác lại chìm trong nợ nần đã giúp Đức trở thành “đầu tàu kinh tế” của châu Âu trong nhiều năm.
Thế nhưng, thời kỳ huy hoàng của Đức lại đang dần trôi vào dĩ vãng. “Đầu tàu kinh tế” của châu Âu nay trật bánh, trở thành “Sick man of Euro” – “kẻ ốm yếu của châu Âu”. Hàng loạt nguy cơ, từ già hóa dân số, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hay giá năng lượng và lãi suất tăng cao đang khiến nền kinh tế Đức “phát ốm”.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế Đức phát triển kém nhất trong năm nay. Thậm chí, Đức còn có khả năng trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng âm trong năm nay.
Consensus Economics dự đoán GDP của Đức sẽ giảm 0,35% trong năm 2023 trong khi tăng trưởng năm 2024 cũng được dự đoán sẽ giảm từ 1,4% xuống còn 0,86%.
Sự suy thoái của kinh tế Đức diễn ra ngày càng trầm trọng hơn sau khi quốc gia này bị cắt mất nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Sự mất mát này là cú sốc chưa từng có đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức, giáng một đòn chí mạng vào cường quốc sản xuất của châu Âu.
Ông Christian Kullmann, Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Evonik Industries AG, cho biết, Đức đang đứng trước nguy cơ phi công nghiệp hóa khi chi phí năng lượng cao trong khi chính phủ lại thờ ơ trước những vấn đề “kinh niên”.
Việc mất nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga đã “gây tổn hại nặng nề đến mô hình kinh doanh của nền kinh tế Đức”, ông Kullmann chia sẻ với hãng tin AP. Đồng thời, ông cho rằng “Nước Đức đang ở trong tình trạng bị ảnh hưởng và tổn hại nghiêm trọng bởi các yếu tố bên ngoài”.
Sau khi Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt sang Liên minh châu Âu, một cuộc khủng hoảng năng lượng đã “bào mòn” những quốc gia sử dụng tới 40% nhiên liệu từ Moscow. Khi đó, chính phủ Đức buộc phải khởi động lại các nhà máy điện than để tránh thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
Ngay cả chính phủ Đức cũng phải thừa nhận sai lầm của mình sau khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra. Trước đó, Đức từng được cảnh báo về mối nguy hiểm khi quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng các nhà lãnh đạo Đức khi đó lại một mực khẳng định “Moscow là nhà cung cấp đáng tin cậy".
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg cho biết, “sự tự mãn về sức mạnh của mình đã góp phần dẫn Đức đến các quyết định sai lầm, bao gồm loại bỏ năng lượng hạt nhân, cấm khai thác khí đốt tự nhiên và đặt cược vào nguồn cung khí đốt của Nga”.
Theo ông Schmieding, Đức đang phải trả giá cho những chính sách năng lượng sai lầm của mình.
Bên cạnh sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga, Đức còn đối diện với những “vết nứt” vốn đã tồn tại từ lâu trong nền kinh tế của quốc gia EU này. Chính “thập kỷ vàng” tăng trưởng đã khiến Đức không nhận ra các yếu điểm của mình như già hóa dân số, tình trạng quan liêu cùng sự tụt hậu trong cuộc đua công nghệ.
Trong những năm qua, Đức vẫn miệt mài rót tiền hỗ trợ các ngành công nghiệp lâu đời như ô tô, máy móc hay hóa chất và ít tập trung cho các lĩnh vực mới, như công nghệ số. Hãng phần mềm lớn duy nhất của Đức là SAP cũng đã được thành lập từ năm 1975.
Việc tự tin quá mức vào bản thân, “ngủ quên trên chiến thắng” đã khiến Đức đang phải trả một cái giá khá đắt. Khi những lời cảnh báo rằng xe điện sẽ sớm thách thức xe xăng dần trở thành hiện thực, nước Đức mới giật mình tỉnh giấc. Ngành công nghiệp ô tô, vốn là một trong những “trụ cột” kinh tế Đức nay đang phải gồng mình để cạnh tranh với các hãng xe điện mới nổi đến từ Trung Quốc.
Đầu tư công ít đi trong những năm qua đã khiến cơ sở hạ tầng ở Đức dần trở nên lỗi thời, Tốc độ mạng Internet và khả năng kết nối của điện thoại di động ở Đức chậm hơn so với các quốc gia tiên tiến khác. Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Keil, ông Moritz Schularick từng thừa nhận “nước Đức đã ngủ quên cả thập kỷ”.