Phổ biến, quán triệt quy định về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến, quán triệt quy định về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tham dự và chủ trì hội nghị.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo và cán bộ các Vụ, Cục thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Mục tiêu của hội nghị nhằm: (i) Quán triệt tới Lãnh đạo các ngân hàng hiểu sâu sắc về tinh thần chỉ đạo của NHNN đối với công tác quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới; nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật; tăng cường công tác phòng chống rửa tiền trong quá trình triển khai thực hiện; (ii) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới; hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; (iii) Các Vụ, Cục của NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Thanh toán…) ghi nhận các ý kiến, tiếp tục rà soát kỹ các quy định của pháp luật, bổ sung, hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn nữa, đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu biến động phức tạp, đầy rủi ro; giá hàng hóa, lạm phát thế giới tăng mạnh; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) lan rộng trên toàn cầu với 257 lượt tăng lãi suất điều hành của các NHTW từ đầu năm đến nay. Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành CSTT gây áp lực lớn đến điều hành CSTT các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành thận trọng, linh hoạt CSTT; phối hợp với điều hành chính sách lãi suất và điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp bán can thiệp ngoại tệ để hấp thụ các cú sốc bên ngoài, hạn chế tình trạng lạm phát.
Dự kiến thời gian tới, kinh tế, tài chính thế giới sẽ tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, đặt ra các thách thức lớn cho công tác điều hành CSTT để thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp từ mức 0-0,25% lên mức 3-3,25%/năm, đồng thời phát tín hiệu tiếp tục thắt chặt CSTT mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, chỉ số USD đã tăng nhanh kể từ đầu năm khiến nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới đều chịu áp lực mất giá mạnh so với mức cuối năm 2021. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, Phó Thống đốc nhận định, mọi biến động của thị trường quốc tế đều phản ánh và tác động nhất định đối với thị trường Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối đã trình bày về các quy định thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài. Các quy định hiện hành của pháp luật về thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài đã tương đối đầy đủ, là cơ sở để TCTD, chi nhánh NH nước ngoài hướng dẫn khách hàng thực hiện đúng, đảm bảo cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động này và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hệ thống các TCTD và chi nhánh NH nước ngoài phải đảm bảo triển khai, thực thi quy định nghiêm túc, thống nhất, tuân thủ đúng pháp luật.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chia sẻ về công tác phòng chống rửa tiền, các hành vi vi phạm phổ biến của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh toán quốc tế cũng như biện pháp ngăn chặn, xử lý. Để tiếp tục có những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh báo đến các TCTD, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tham mưu cho lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc NHNN ban hành nhiều văn bản tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, thẩm lậu, gian lận thương mại gắn với hoạt động thanh toán quốc tế; tăng cường các biện pháp phòng, chống hoạt động buôn lậu, gian lận thuế, trốn thuế, rửa tiền...
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo một số NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cũng trình bày về thực tiễn công tác quản lý ngoại hối trên địa bàn, tập trung vào nội dung quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới của TCTD, và khuyến nghị, đề xuất. Đại diện lãnh đạo các TCTD cũng đưa ra các ý kiến của ngân hàng thương mại trong việc triển khai thực hiện theo chỉ đạo của NHNN.
Quang cảnh hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, về cơ bản, hệ thống các TCTD đã hình dung được trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật. Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối, Cơ quan TTGSNH đã hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể các vướng mắc mà TCTD nêu tại Hội nghị. Trong công tác điều hành, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách, điều chỉnh liều lượng phù hợp để đảm bảo mục tiêu chung.
Công tác thanh toán, chuyển tiền và thị trường ngoại hối đóng vai trò quan trọng trong công tác điều hành của NHNN. Các đơn vị chính sách sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất lên Ban Lãnh đạo trong quá trình hoàn thiện chính sách; và khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư Hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân. Về quá trình thực thi, Phó Thống đốc đề nghị Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới; hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Đối với hệ thống ngân hàng, để hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài được đảm bảo chặt chẽ, đúng mục đích, NHNN đề nghị các TCTD trong toàn ngành tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối, nâng cao tính kỷ luật và chuẩn mực thị trường ngoại tệ nhằm hướng tới mục tiêu chung là ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.