Phát triển làng nghề từ cơ chế đặc thù Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề; trong đó đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động tại các làng nghề diễn ra ngày 5/7, tại Hà Nội.

Phát triển làng nghề từ cơ chế đặc thù Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Kiến nghị tiếp tục đầu tư xây điểm du lịch làng nghề

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.

Trong những năm gần đây, TP rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng một số chính sách về đào tạo nghề, truyền nghề, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề. Các chính sách hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã và đang giúp các làng nghề trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô…

Phát triển làng nghề từ cơ chế đặc thù Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ kiến nghị liên quan đến các nội dung chính như Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; các cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề về vốn vay, đào tạo... và nhóm vấn đề liên quan khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.

Giám đốc Công ty TNHH phát triển nội thất gỗ Phương Đông (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Tiến Anh cho biết, theo thực trạng hoạt động tại làng nghề, ông nhận thấy muốn đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề nên thông qua các tour tuyến du lịch để bán hàng hóa trực tiếp cho khách du lịch. Ông đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm du lịch làng nghề để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguyên vật liệu.

Đại diện Công ty TNHH may Phú Thành Phát (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) mong muốn được hỗ trợ đưa máy móc khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất của người lao động, giảm thời gian và chi phí sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho hay, Công ty chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Thời gian qua, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương nhận được nhiều sự hỗ trợ của thành phố và huyện trong đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất; thủ tục hải quan cũng rất nhanh gọn, thuận lợi… Tuy nhiên, Công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất… Do đó, Công ty kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh phát biểu tại Hội nghị

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh phát biểu tại hội nghị

Các ý kiến đã được lãnh đạo thành phố, các Sở, ban, ngành trả lời trực tiếp ngay tại hội nghị. Liên quan đến vấn đề xúc tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND thành phố giao HPA.

Thời gian qua, HPA đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Tại các hội chợ này, HPA đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm tới du khách cũng như doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu. Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đầu năm 2024, HPA đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến Nhân dân Lào. Thời gian tới, đơn vị sẽ báo cáo thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng.

Về ý kiến của đại diện Công ty Hiền Lương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại nước ngoài được hỗ trợ theo 2 hình thức: Nếu doanh nghiệp tham gia có gian hàng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí; nếu doanh nghiệp tham gia hội chợ nhưng không có gian hàng sẽ được hỗ trợ vé máy bay…

Liên quan đến Cụm công nghiệp Phú Túc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho biết, đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp. Hiện có 26 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong xã đã đăng ký hoạt động trong cụm này.

Ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị khẳng định sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo TP Hà Nội đối với sự phát triển của các làng nghề.

Trong 2 năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn...

Phát triển làng nghề từ cơ chế đặc thù Luật Thủ đô (sửa đổi)

Quang cảnh hội nghị

Quan trọng hơn, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hoá Hà Nội và Việt Nam ra thế giới, qua đó khẳng định, trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hoá vô cùng đặc sắc.

Khẳng định phát triển làng nghề là vấn đề có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn khi kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển làng nghề chưa được như mong muốn.

Thực tế, nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt, được chứng nhận OCOP nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu lại chưa được quan tâm. Thậm chí “hàng thủ công mỹ nghệ nhiều sản phẩm lô đầu rất đẹp nhưng lô sau lại làm ẩu, làm mất khách hàng…

Trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề; trong đó đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.

"Những nhóm kiến nghị, đề xuất tại hội nghị không chỉ đơn thuần là kiến nghị mà còn là những gợi ý về giải pháp có tính thực tiễn gửi gắm các cấp, các ngành của thành phố. Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội bền vững”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Thông tin hiện nay TP đang nghiên cứu để chỉ đạo cụ thể các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển, hướng đến xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 6
Tác giả: Ánh Dương
Tin liên quan