PGS.TS Phạm Trung Lương: Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch

Theo PGS. TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, kinh tế đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế. Phát triển kinh tế đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Do đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Kinh tế đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế

"Kinh tế ban đêm" gọi tắt là “Kinh tế đêm” được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18h cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm các dịch vụ về văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc,..) vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Theo PGS. TS Phạm Trung Lương, kinh tế đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế. Phát triển kinh tế đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Khái niệm về nền kinh tế đêm hay ý tưởng về thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành tại Châu Âu từ cuối những năm 1970. Chuỗi sự kiện văn hoá buổi tối mùa hè tại Thủ đô Roma (Italia) vào năm 1977 là một trong những sáng kiến đầu tiên về thành phố 24 giờ.

Hiện nay, tại Việt Nam, kinh tế đêm đã được quan tâm với một số dịch vụ phổ biến đã được triển khai trên thực tế ở một số đô thị du lịch lớn như Hà Nội, TP. Hồ Ch Minh, Hội An… Những hình thức kinh tế đêm phổ biến ở những điểm đến này bao gồm: các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ, các tuyến phố dịch vụ ẩm thực như Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh),.. Một số địa phương là trung tâm du lịch như Hội An, Nha Trang.

Bên cạnh những kết quả đạt được như đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế các địa phương; một số hoạt động kinh tế đêm trở thành nét văn hóa đặc trưng, quen thuộc của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch thì phát triển kinh tế đêm trong hoạt động du lịch cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Hạn chế về nhận thức đối với kinh tế đêm; Thiếu các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế đêm thông qua cung cấp các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm; Sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương vẫn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hoá nghệ thuật còn chưa nhiều; các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng;…

Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm vào các hoạt động; các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn; các địa phương đều chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế đêm trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường

Đề án “Phát triển phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129 QĐ-TTg ngày 27/7/2020 là bước đi đầu tiên trên con đường phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam.

Đứng dưới góc độ chính sách có thể thấy khung khổ pháp lý chính sách liên quan đến kinh tế ban đêm khá rộng, bao gồm từ: quy hoạch tổng thể, định hướng thị trường, quản lý môi trường, cơ sở hạ tầng, đến những chính sách cụ thể liên quan đến khung giờ, an ninh trật tự, sản phẩm và dịch vụ đặc thù. Nhìn chung, khung pháp lý chính sách không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban ngày và các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế đêm.

PGS. TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh, về cơ bản, các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm đã được thể hiện trên khung pháp lý chung, không phân biệt giữa chính sách cho kinh tế ban ngày hay kinh tế đêm. Do đó, tất cả các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế đêm đáp ứng đủ điều kiện đều được hưởng các cơ chế, chính sách để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa khuyến khích cho phát triển thêm nhiều loại hình tham gia hoạt động về đêm. Cụ thể: các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động mua sắm ban đêm mà chủ yếu vẫn dựa vào nhu cầu tiêu dùng trên từng địa bàn, dẫn đến không có cơ chế rõ ràng hoặc đặc thù hơn đối với các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào  ban đêm;…

Nhận thức đầy đủ về vai trò của kinh tế đêm đối với phát triển du lịch

Trên cơ sở phân tích thực trạng cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, PGS. TS Phạm Trung Lương đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển kinh tế đêm trong hoạt động du lịch, cụ thể:

Một là, cần có nhận thức đầy đủ về vai trò của kinh tế đêm đối với phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc kéo dài ngày lưu trú và tăng chi tiêu của khách, qua đó tăng nguồn thu từ du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Hai là, trên cơ sở đổi mới về nhận thức cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt độngkinh tế đêm ở Việt Nam. Theo đó, cơ chế, chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam. Khuyến khích được các doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào xây dựng và phát triển kinh tế đêm, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động ban đêm.

Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích khu vực kinh tế đêm bao gồm cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp quy mô lớn tham gia đầu tư phát triển kinh tế đêm. Đồng thời, tập trung nhiều vào cơ chế quản lý hoạt động kinh tế đêm cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng cho kinh tế đêm.

Tập trung vào hoàn thiện các cơ chế để quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch, đặc biệt tại các trung tâm du lịch và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, bao gồm: Loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; giờ giới nghiêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng ); chính sách về giao thông ban đêm; cơ sở hạ tầng công cộng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động kinh tế đêm; và phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế đêm.

Bên cạnh đó, khung pháp lý cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế đêm.

Ba là, cần điều chỉnh hoặc bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt “Kinh tế đêm” khá biệt lập với các khu dân cư tập trung, nơi tổ chức cung cấp các dịch vụ được xem là “nhạy cảm” hoặc gây âm thanh, ánh sáng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của cộng đồng. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần tham khảo ý kiến cộng đồng để có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động kinh tế đến đến văn hoá và cuộc sống của người dân địa phương.

Bốn là, để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch, chính phủ cần phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch và chính sách cụ thể phát triển kinh tế đêm tại địa phương, trong đó bao gồm cả quyền thành lập tổ chức chuyên trách về quản lý phát triển kinh tế đêm

Năm là, cần đa dạng hoá các dịch vụ trong hoạt động kinh tế đêm trên cơ sở khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá và ẩm thực địa phương kết hợp các hiệu ứng ánh sáng hiện đại để đáp ứng yêu cầu thị trường. Chú trọng xây dựng các chương trình biểu diễn (show diễn) thực cảnh hoành tráng tái dựng lại đời sống văn hoá truyền thống địa phương (như show diễn “Ký ức Hội An” tại Hội An, “Huyền thoại Làng chài” tại Phan Thiết hay “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Hà Nội) hoặc về những truyền thuyết mang tính lịch sử hay tâm linh.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật