Nỗ lực triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ổn định thị trường lao động

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phát huy hiệu quả công tác này nhằm ổn định thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp

Thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang giúp người lao động không những nhận tiền trợ cấp thất nghiệp để duy trì cuộc sống hàng tháng mà còn được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi môi trường làm việc phù hợp nghề đã học hoặc trở về địa phương tự tạo việc làm bằng nghề đã học.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động thông qua vai trò chủ động và thụ động nhằm rút ngắn thời gian thất nghiệp của người lao động, thời gian tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, giảm thiệt hại cho xã hội do việc làm trống không có người đảm nhận hoặc lao động không được sử dụng vì không có việc làm, hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm, giúp thị trường lao động vận hành hiệu quả hơn.

Nếu như trước đây, khi người lao động mất việc làm, chủ doanh nghiệp phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động, thì khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời, doanh nghiệp không còn bị áp lực về mặt tài chính, khi có nhiều lao động thôi việc.

Nắm được vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phát huy hiệu quả công tác này nhằm ổn định thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2023 - 2025.

Nỗ lực triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ổn định thị trường lao động
Chính sách bảo hiểm thất nghiệm giúp lao động bớt nỗi lo gánh nặng tài chính nếu như bị mất việc làm

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu chung như sau: Thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; phấn đấu đến năm 2025 có 50% lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm xã hội, 41% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Quản lý sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Hưng Yên phấn đấu tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội/lực lượng lao động năm 2023 là 44%, năm 2024 là 47%, năm 2025 là 50%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp/lực lượng lao động năm 2023 là 39%, năm 2024 là 40%, năm 2025 là 51%.

Theo kế hoạch, tỉnh Hưng Yên sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân trong việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đồng thời, tỉnh này cũng sẽ phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cá nhân có uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, dễ hiểu và thích hợp với từng nhóm đối tượng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chú trọng tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh; chủ sử dụng lao động duy trì việc làm, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo đúng quy định.

Bảo hiểm thất nghiệp - “chiếc phao cứu sinh” cho người lao động

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên đã tập trung mọi nguồn lực, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, để tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề, giúp người lao động sớm tìm được công việc mới phù hợp để ổn định cuộc sống.

Năm 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên cũng đã tập trung, quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc Cục Việc làm, các phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên và các đơn vị có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét duyệt hồ sơ, chi trả trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng sai, chậm muộn, sách nhiễu với người lao động.

Nỗ lực triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ổn định thị trường lao động
Năm 2022, số lao động thất nghiệp được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên giới thiệu việc làm nhận được việc làm mới là 585 người

Đồng thời, Trung tâm cũng đã đổi mới nội dung tuyên truyền từ việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật sang tuyên truyền về lợi ích, vai trò, ý nghĩa và nội dung của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận của người lao động và doanh nghiệp; tăng cường cách tiếp cận tuyên truyền dựa trên nền tảng công nghệ song song với hình thức tuyên truyền miệng, áp phích, tờ rơi. Kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và tuyên truyền tại sàn giao dịch việc làm; tăng cường phương pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng...

Đặc biệt, Trung tâm cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 của Quốc hội, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ trên các phương tiện truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh; tập trung đổi mới phương thức phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người sử dụng lao động và thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Với việc thực hiện các giải pháp nêu trên, công tác tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 9.827 người (trong đó số người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách là 503), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 8.966 trường hợp, tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp là 180,6 tỷ đồng. Cùng với đó, năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 33.956 người thất nghiệp...

Chia sẻ với phóng viên, anh Trịnh Văn Hòa (sinh năm 1998, Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, do hoàn cảnh gia đình neo người, thường xuyên đau ốm nên anh xin nghỉ làm ở công ty cũ ở KCN Phố Nối một thời gian để ở nhà để sắp xếp lại công việc gia đình. Trong những ngày nghỉ chờ tìm kiếm công việc mới phù hợp, anh Hòa đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên để đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

"Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên, tôi được tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với hoàn cảnh của mình để quay lại thị trường lao động. Đồng thời tôi cũng được các nhân viên tại trung tâm nhiệt tình hướng dẫn hoàn tất các thủ tục để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất", anh Hòa chia sẻ.

Theo bà Đặng Thái Quyên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên, năm 2022, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm là 33.956 người, tăng 4,4% so với năm 2021 (32.524 người). Trong đó, số lao động thất nghiệp được giới thiệu việc làm nhận được việc làm mới là 585 người.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Cục Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với sự phối hợp có hiệu quả với Bảo hiểm xã hội tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm để triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của địa phương.

Mặt khác, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Hệ thống các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Việc làm, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được ban hành đầy đủ và thường xuyên được sửa đổi, hoàn thiện là những điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm.

Trong thời gian tới, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về việc làm, chế độ bảo hiệm thất nghiệp đến với người lao động và người sử dụng lao động, nhằm cung cấp cho người lao động đầy đủ thông tin về chế độ chính sách khi tham gia vào thị trường lao động; đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức lồng ghép trong các hội nghị hoặc tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của viên chức, lao động hợp đồng nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức phục vụ đối với người lao động và doanh nghiệp.

Cùng với đó là tổ chức phiên giao dịch việc làm hàng tuần tại trung tâm và phiên giao dịch việc làm hàng tháng tại văn phòng đại diện và văn phòng ủy thác cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động có nhu cầu đi làm việc trong, ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động), từ đó giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhất là chú trọng tư vấn chuyên sâu đối với lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm.

Lượt xem: 3
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật