Nỗ lực giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thời gian qua, tại Việt Nam liên tục xuất hiện các hình thái thời tiết bất thường, cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực với môi trường tự nhiên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, có nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Thực trạng đáng báo động

Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường tự nhiên và con người.

Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính ngày càng tăng.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho thấy, hiện nay, dân số của Thủ đô Hà Nội khoảng trên 10 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 50%. Thành phố có khoảng 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và gần 600.000 ô tô. Ước tính, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu…

Chính vì vậy, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt những thách thức lớn từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Tính toán mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính của Hà Nội mỗi năm là khoảng 18.181.091 tấn CO2 tương đương, chiếm 7% tổng phát thải của quốc gia. Trong đó, lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực có tỷ lệ phát thải lớn nhất, khoảng hơn 12.167.000 tấn CO2 tương đương, chiếm 67%; Tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, chất thải; Lĩnh vực các quá trình công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 1% trong tổng phát thải khí nhà kính.

Nỗ lực giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Các thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính ngày càng tăng

Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, thành phố Hà Nội đã tiến hành thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính, với các nhóm giải pháp trong hoạt động chôn, đốt rác thải, nước thải công nghiệp, sinh hoạt, hoạt động chăn nuôi, thành phố còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, TP triển khai các dự án hạn chế phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch…

Đặc biệt, từ tháng 10/2017, Hà Nội đã chính thức tham gia Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được tổ chức thực hiện bởi Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững (ICLEI). Dự án được thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây dựng và an toàn hạt nhân Liên bang Đức và Tổ chức Sáng kiến vì Khí hậu toàn cầu (BMU) với mục tiêu cam kết tham gia cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ xây dựng các chương trình hành động cụ thể và tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải khí, ước tính đến năm 2020, phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2.

Đáng chú ý, hàng hoạt các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động áp dụng sản xuất sạch hơn cũng đã được thành phố tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông tin về áp dụng sản xuất sạch hơn và hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 50 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn đã tiết kiệm 8-10% mức tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm. Không chỉ có vậy, trong khuôn khổ chương trình hành động còn góp phần làm tăng thêm 20% các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phấn đấu giảm 30% cường độ phát thải khí nhà kính

Ngoài triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu khí nhà kính, thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, như: Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về hành động thích ứng và giảm nhẹ gắn với các nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất.

Hay như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố triển khai một số hoạt động nhằm giảm ô nhiễm không khí, thực hiện mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ và phấn đấu không còn tình trạng đốt rơm, rạ trên địa bàn thành phố; Loại bỏ bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. TP thực hiện Chương trình 1 triệu cây xanh; Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm…

Một trong những giải pháp được đánh giá cao đó là thành phố đã chỉ đạo, tại các tòa nhà, các khu đô thị mới, ngay khi thiết kế quy hoạch kiến trúc phải thiết kế lắp đặt hệ thống đèn led tiết kiệm điện, thiết kế kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường.

Nỗ lực giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Thành phố Hà Nội hiện đang tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm

Công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn chất thải ô nhiễm môi trường cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ. Thành phố đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; Tổ chức quản lý, vận hành 6 trạm quan trắc nước mặt tự động và hiện đang triển khai, bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác gồm: Mạng lưới 33 quan trắc môi trường không khí, 12 trạm quan trắc môi trường nước.…

Có thể nói, các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của thành phố. Tuy nhiên, để giảm nhẹ khí nhà kính đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là: Giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu lâu dài trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP.

Theo đó, Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ cũng đưa ra các định hướng chiến lược để phát triển, như: tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.

 

Lượt xem: 90
Tác giả: Thanh Hà
Tin liên quan