Nhức nhối vấn nạn đổ trộm phế thải để san lấp mặt bằng

Mặc dù chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra công khai, gây nhức nhối trong dư luận.

Tràn lan vi phạm

Những năm gần đây, hành vi đổ trộm chất thải ngày càng manh động, tinh vi hơn. Không còn là đổ trộm ra đường, ra ruộng vườn để… tiết kiệm công sức vận chuyển đến các nơi tập kết rác đúng quy định nữa, giờ đây, các đối tượng đổ trộm chất thải đã có sự tính toán, móc ngoặc với nhau, lựa chọn những vị trí đắc địa rồi mới đổ trộm chất thải với mục đích san lấp mặt bằng cho thuê hoặc dựng nhà xưởng, bãi tập kết ô tô, vật liệu trái phép. Việc xử lý những bãi thải trái phép này đang trở thành thách thức không nhỏ đối với chính quyền sở tại.

Một trong những ví dụ điển hình là hai bãi thải lớn tại khu vực hồ Song thuộc địa phận phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Nhiều năm qua, hàng ngàn khối chất thải đã âm thầm tập kết để san lấp một phần không nhỏ diện tích hồ Song.

Thậm chí, hai bãi thải đã được san lấp thành mặt bằng và một khu nhà xưởng, lán trại đã mọc lên trên đó. Điều đáng nói là hai bãi thải này nằm ngay sát Đại lộ Thăng Long, đi trên đường có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Không hiểu sao, bãi thải vẫn tồn tại và ngày càng mở rộng diện tích.

Nhức nhối vấn nạn đổ trộm phế thải để san lấp mặt bằng
Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp… diễn ra công khai, gây nhức nhối trong dư luận

Ngay cạnh phường Đại Mỗ, khu vực đầu phố Sa Đôi thuộc địa phận phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cũng đang diễn ra điều tương tự. Tại đây, chất thải cũng được đổ một cách có chủ đích nhằm san lấp mặt bằng. Tại khu vực trước cổng chùa Cả Phú Đô, nhiều lều lán, nhà tạm đã mọc lên trên phần mặt bằng được san lấp bằng chất thải.

Đặc biệt, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, đất dự án tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được san lấp làm nhà xưởng, kho bãi và tập kết vật liệu xây dựng... Đáng nói, tình trạng dùng rác thải, phế thải xây dựng được vận chuyển để đổ trộm, tập kết san lấp mặt bằng dọc con đường Khu đô thị mới Thịnh Liệt và dọc bờ sông Sét diễn ra công khai trong suốt thời gian dài nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.

Một người dân sinh sống gần một bãi tập kết phế thải xây dựng, phường Thịnh Liệt cho biết, nhiều tháng qua thường xuyên xuất hiện hàng loạt các xe tải, xe ba gác, xe tự chế nối đuôi nhau ngang nhiên vận chuyển rác thải, phế thải vật liệu xây dựng đến đây để chôn lấp khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hay như vào cuối năm 2023, tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cũng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh chuyện hàng nghìn mét vuông ruộng ngập nước của nhiều hộ dân nơi đây đã bị đổ chất thải để san lấp mặt bằng rồi nối tiếp nhau mọc lên những bãi tập kết vật liệu, máy móc, thiết bị…

Cần có biện pháp xử lý nghiêm minh

Tình trạng đổ chất thải trái phép để san lấp mặt bằng đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại một số địa phương của Hà Nội, nhất là những xã, phường đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn tỏ ra thờ ơ, lúng túng trong công tác nắm tình hình cũng như đưa ra phương án xử lý vấn nạn này.

Liên quan đến các vi phạm, Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường nêu rõ, người có hành vi vi phạm chôn lấp rác thải nguy hại hoặc hữu cơ khó phân hủy cần loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 ký đến dưới 5.000 ký thì bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nhức nhối vấn nạn đổ trộm phế thải để san lấp mặt bằng
Cần có biện pháp xử lý nghiêm minh với những trường hợp đổ trộm phế thải ra môi trường

Nếu số rác thải chôn lấp trên 5.000 ký thì bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Pháp nhân thương mại vi phạm thì tùy tính chất, hậu quả sẽ bị phạt tiền tối đa đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm.

Về xử lý hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định Nghị định 155. Theo đó, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý thì bị phạt tiền tối đa đến 250 triệu đồng (khoản 9, điều 20, NĐ 155).

Trường hợp khi cơ quan chức năng làm rõ rác thải đã chôn lấp có chứa các chất phóng xạ, hoặc các thông số môi trường nguy hại thì mức phạt sẽ tăng thêm tương ứng... Ngoài mức phạt chính, cá nhân tổ chức có thể chịu hình thức phạt bổ sung và bắt buộc khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, nếu chất thải là chất thải nguy hại thì việc vận chuyển, lưu trữ, chôn lấp trái quy định sẽ bị xử phạt theo các quy định tại điều 22, 23 nghị định 155 với mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng, kèm với hình thức phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động) và buộc khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức có liên quan (thỏa thuận, hợp đồng) về việc dùng chất thải để san lấp mặt bằng cũng sẽ bị cơ quan chức năng làm rõ, xử lý tương ứng.

Lượt xem: 7
Tác giả: Thanh Hà
Tin liên quan