Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam

Sáng 20/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết như vậy khi trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.

Trong năm 2022, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đồng thời giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn, có nhiều chuyển biến tích cực về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế.

Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

"Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kinh tế, xã hội nước ta cũng đạt được một số thành quả quan trọng như: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Nhiều dự án đầu tư quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, chúng ta đã nâng cao chất lượng lập quy hoạch; Chú trọng phát triển kinh tế địa phương, vùng lãnh thổ; Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống Nhân dân; Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...

Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; Chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo đồng thuận xã hội...

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam
Quang cảnh kỳ họp

12 nhiệm vụ, giải pháp

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022 Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; Chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch chồng dịch; Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Bên cạnh đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường; Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tội phạm...”

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Thủ tướng cho biét đã đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó nhấn mạnh, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...

Chính phủ chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp;

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...

Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội...

Lượt xem: 70
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật