Nhiều chỉ dấu tích cực cho thị trường bất động sản 2021

Nguồn cung cải thiện, pháp lý tiếp tục được khơi thông, khống chế tốt dịch bệnh và triển vọng hồi phục kinh tế… là những chỉ dấu tích cực cho thị trường bất động sản 2021.

Bước vào năm 2021, sau thành công rực rỡ của Đại hội Đảng lần thứ XIII thì quyết tâm về việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, chuyên nghiệp cũng đã được nhắc đến trong Nghị quyết của Đại hội. Đây được xem là tiền đề quan trọng, thể hiện quyết tâm tăng trưởng nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường BĐS năm 2021 hứa hẹn nhiều triển vọng, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng. Thị trường khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, ảo hay bong bóng, mà phát triển ổn định và bền vững hơn so năm 2020; giá có thể sẽ tăng ở mức hơn 10%.

Ông Đính lý giải thêm, đó là vì kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại. "Ngoài ra, năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương mới nhận nhiệm vụ, chắc chắn sẽ có những động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản để tạo nguồn thu cho địa phương" - ông Đính khẳng định.

Mới đây, trong báo cáo thị trường bất động sản nhà ở vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect công bố thì trong quý IV/2020 thị trường có sự phục hồi đáng kể cả về nguồn cung mới và khối lượng giao dịch ở cả Hà Nội và TP HCM.

Cụ thể, nguồn cung mới của thị trường TP.HCM tăng 103% so với Quý III và tăng 59% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lượng giao dịch tăng 74% so với quý trước và tăng 3% so với cùng kỳ. 

Thị trường Hà Nội ghi nhận sự phục hồi trong Quý IV/2020 so với quý trước khi nguồn cung mới tăng 107%, đạt 7.263 căn, lượng giao dịch tăng 68%, đạt 7.071 căn.

Theo nhận định của VNDIRECT, kỳ vọng phục hồi thị trường thị trường BĐS năm 2021 nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng trong năm 2021 sẽ dựa trên 3 nền tảng chính gồm tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng; phục hồi nguồn cung mới nhờ nới lỏng các nút thắt pháp lý và lãi suất về mức hợp lý củng cố quyểt định mua nhà.

Thứ nhất, về việc tăng tốc hoàn thiện hạ tầng dựa trên nền tảng Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, trong 2020, tổng các khoản đầu tư giải ngân từ ngân sách Nhà nước (đầu tư công) tăng mạnh 34,5% so với cùng kỳ, đạt 466,6 nghìn tỷ đồng và hoàn thành 91,1% mục tiêu cả năm của Chính phủ. Đây là con số giải ngân cao nhất của Chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2020. 

Theo đó, cơ sở hạ tầng được thúc đẩy đã nâng giá đất tại một số khu vực lân cận TP HCM và Hà Nội lên một tầng giá mới. Đơn cử, một số nơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu có mức giá tăng 40% so với cùng kỳ, Phan Thiết tăng 60%, Gia Lâm tăng 20%, Nhà Bè tăng 50%…

Thứ hai, là nền tảng tích cực từ việc các nút thắt liên quan đến vướng mắc pháp lý dần được tháo gỡ. Cụ thể, Nghị định 148 có hiệu lực từ ngày 8/2/2021 quy định, các thửa đất công nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án có diện tích trên dưới 10% diện tích dự án sẽ không phải thông qua đấu giá mà sẽ được giao hoặc cho thuê. 

Theo tính toán, Nghị định 148 sẽ giải quyết nút thắt đã khiến ít nhất 158 dự án khu dân cư bị hoãn đầu tư xây dựng trong 5 năm qua. Trong đó có một số dự án như Bắc Phước Kiển 90 ha của Quốc Cường Gia Lai, Lexington Residence, Green Star Sky Garden bị đình chỉ thi công do vấn đề đất công, Mỹ Phước 4, Landcaster Legacy,… 

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng sửa đổi đã bổ sung một số quy định về miễn giấy phép xây dựng, cắt giảm một số quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.

Thứ ba, là việc lãi suất vay thế chấp trung bình giảm trong năm 2020 giúp kích thích nhu cầu mua nhà. Theo đó, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ba lần cắt giảm lãi suất điều hành (vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10) nhằm nỗ lực cứu nền kinh tế khỏi hậu quả của đại dịch. Lãi suất tái cấp vốn/lãi suất chiết khấu giảm xuống 4%/2,5%.

Điều này giúp giảm bớt áp lực cho ngân hàng về chi phí dự phòng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng đã đưa ra các gói kích cầu như miễn lãi suất và giảm lãi suất cho vay nhằm đảo ngược nhu cầu vốn thấp của người mua nhà do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và nguồn cung nhà ở khan hiếm. Vào cuối tháng 12/2020, lãi suất vay thế chấp trung bình từ các ngân hàng trong nước đã giảm 2,1% điểm xuống 9,2%, mức thấp nhất trong 10 năm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia do áp lực lạm phát giảm trong năm 2020 sẽ giúp NHNN tự tin hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ phù hợp vào năm 2021. Cụ thể, lãi suất cho vay thế chấp được kỳ vọng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp để kích cầu bất động sản.

Lượt xem: 457
Tác giả: LÊ SÁNG
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật