Nhật Bản đã tiêu tốn 19 tỷ USD để ngăn đà giảm giá của đồng Yên
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản vào ngày cuối cùng của tháng 9 cho thấy, việc can thiệp tiền tệ của nước này vào tuần trước đã tiêu tốn 2,84 nghìn tỷ Yên (tương đương 19 tỷ USD), số tiền lớn nhất từ trước đến nay để ngăn chặn đà trượt giá mạnh của đồng Yên so với đồng USD.
Hoạt động mua đồng Yên, bán ra đồng USD lần đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998, được thực hiện vào ngày 22/ 9, ngay sau khi đồng tiền của Nhật Bản lao dốc qua mốc 145 quan trọng về mặt tâm lý trong bối cảnh các chính sách tiền tệ của Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục phân nhánh rộng hơn.
Dữ liệu mới công bố này bao gồm các hành động can thiệp trong khoảng thời gian từ ngày 30/8 đến ngày 28/ 9 và không có bảng phân tích hàng ngày nào được tiết lộ. Trước đó, 2,62 nghìn tỷ Yên được chi vào ngày 10/ 4/1998, là số chi lớn nhất được ghi nhận.
Các nhà phân tích thị trường nghi ngờ sự can thiệp trực tiếp như vậy, được coi là động thái cuối cùng, sẽ có tác động lâu dài vào thời điểm mà đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền khác do được hỗ trợ bởi lợi suất kho bạc Mỹ cao hơn.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết sự can thiệp hiếm hoi này là nhằm "điều chỉnh" các động thái đầu cơ trên thị trường tiền tệ, đồng thời cảnh báo rằng Nhật Bản sẽ thực hiện các bước tiếp theo nếu cần vì chuyển động tiền tệ phải ổn định, không phải "nhanh chóng và một chiều."
Vào cuối tháng 8/2022, Nhật Bản có khoảng 1,29 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, bao gồm các loại chứng khoán và tiền gửi, trong đó khoảng 136 tỷ USD tiền gửi có thể sử dụng ngay lập tức để thực hiện can thiệp.
Động thái can thiệp đã khiến đồng USD giảm khoảng 5 Yên xuống vùng 140 Yên, nhưng sau đó đã tăng trở lại được giao dịch dưới mức 145 Yên/USD vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9.
Sự mất giá nhanh chóng của đồng Yên so với đồng USD đã làm dấy lên cảnh báo đối với các nhà chức trách Nhật Bản, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết biến động bất ổn của đồng Yên là tiêu cực cho nền kinh tế. Đồng Yên yếu làm tăng chi phí nhập khẩu năng lượng, thực phẩm và các nguyên liệu thô khác cho Nhật Bản, vốn nghèo nàn về tài nguyên.
Ông Tatsuo Yamasaki, người từng là nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản từ năm 2014 đến 2015, cho biết biện pháp can thiệp đã chứng tỏ hiệu quả trong việc kiềm chế sự biến động quá mức trên thị trường, thể hiện thông điệp rằng chính quyền Nhật Bản sẽ không chịu đứng nhìn những biến động nhanh như vậy.
Ông Yamasaki nói với tờ Kyodo News: “Nếu các nhà đầu cơ có suy nghĩ sai lầm rằng sẽ không có thêm sự can thiệp nào nữa và đồng Yên bắt đầu giảm giá nhanh chóng, thì các nhà chức trách có thể sẽ vào cuộc một lần nữa”.
Tuy nhiên, những người tham gia thị trường cho rằng sự can thiệp trực tiếp như vậy, đặc biệt nếu được Nhật Bản thực hiện đơn phương mà không có Mỹ hoặc châu Âu, không thể đảo ngược xu hướng.
Ông Yamasaki, cựu Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế cho biết: “Sự can thiệp có phối hợp là cực kỳ hiếm, điều này chỉ diễn ra một lần trong nhiều thập kỷ. "Cách cơ bản là đạt được sự thấu hiểu từ các quốc gia khác và một mình bước vào thị trường."
Nhóm G7 đã cho rằng sự biến động quá mức và những chuyển động hỗn loạn trên thị trường tiền tệ đe dọa sự ổn định kinh tế và tài chính.
BOJ đã đi ngược lại trong làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, thực hiện chính sách lãi suất siêu thấp của mình. BOJ có vẻ vẫn giữ lập trường ôn hòa của mình trong thời điểm hiện tại, một yếu tố chính khiến đồng Yên xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD.
Trong lịch sử, Nhật Bản cũng đã can thiệp tiền tệ nhưng là bán đồng Yên lấy USD sau trận động đất và sóng thần lớn năm 2011 dẫn đến sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Vào thời điểm đó, sức mạnh của đồng Yên là một vấn đề đau đầu đối với quốc gia này sau khi đồng tiền này tăng giá lên khoảng 75 Yen/USD. Sự can thiệp mua đồng USD, bán Yên lớn nhất trị giá 8,07 nghìn tỷ Yên được thực hiện vào ngày 31/10/ 2011.