Nền kinh tế Mỹ bắt đầu lộ vết nứt
Sức mạnh bền bỉ của nền kinh Mỹ trong những năm qua khiến các chuyên gia kinh ngạc. Tuy nhiên, vết nứt bắt đầu xuất hiện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới khi ngành dịch vụ suy yếu rõ rệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp chạm mức cao nhất trong gần ba năm.
Một số chuyên gia kinh tế bắt đầu lo ngại kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái, có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành một loạt đợt giảm lãi suất.
Lạm phát và lãi suất cao đang gây vết nứt trong nền kinh tế Mỹ, với hoạt động ngành dịch vụ suy giảm mạnh khi người tiêu dùng giảm tốc độ chi tiêu. Ảnh: Market Watch |
Tín hiệu bất ổn từ ngành dịch vụ
Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Quản lý cung ứng (ISM), trụ sở ở bang Arizona, cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành dịch vụ ở Mỹ giảm sâu xuống 48,8 điểm trong tháng Sáu so với 53,8 điểm trong tháng 5. Chỉ số này cũng đã rơi vào vùng suy giảm (dưới 50 điểm) trong tháng Tư sau chuỗi 15 tháng tăng trưởng liên tục.
Chỉ số đơn hàng mới của ngành dịch vụ thậm chí còn suy giảm mạnh hơn, từ 54,1 điểm trong tháng 5, xuống còn 47,3 điểm trong tháng vừa qua.
Sự suy giảm rõ ràng về nhu cầu, nếu kéo dài đủ lâu có thể khiến các doanh nghiệp ngành dịch vụ tuyển dụng với tốc độ chậm hơn và cắt giảm việc làm. Ngành dịch vụ áp đảo thị trường việc làm của Mỹ. Cụ thể, 86% trong tổng số 158,6 triệu việc làm hiện nay ở Mỹ, tính đến tháng Sáu, liên quan đến các ngành dịch vụ.
“Phần lớn các dịch vụ ở Mỹ được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và sức chi tiêu của họ là chìa khóa cho tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Nhưng chúng tôi bắt đầu thấy căng thẳng tài chính tăng lên ở nhiều hộ gia đình”, James Knightley, nhà kinh tế quốc tế của ngân hàng ING nói với hãng tin CNN.
Với lạm phát vẫn ở mức cao, lãi suất cao nhất trong hơn hai thập niên, tiền tiết kiệm cạn kiệt sau đại dịch Covid-19 và nợ nần ngày càng tăng, người tiêu dùng Mỹ thực sự đang chịu áp lực.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ đã chậm lại trong vài tháng qua. Các nhà bán lẻ cũng nhận thấy người mua sắm ở mọi phân khúc thu nhập đang chi tiêu dè sẻn hơn. Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar giảm 0,4% trong tháng Năm.
Tuy nhiên, phải mất thời gian trước khi nhu cầu chậm lại dẫn đến việc tuyển dụng chậm hơn hoặc sa thải vì doanh nghiệp phải xác định xem liệu có đối mặt thời kỳ nhu cầu suy yếu kéo dài nhiều tháng hay không.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ đã bắt đầu kìm hãm tốc độ tuyển dụng. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 5-7, các doanh nghiệp này tạo thêm trung bình 168.000 việc làm mỗi tháng trong quí 2. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong ba tháng trước đó là 241.000 việc làm. Năm ngoái, mức tăng việc làm trung bình hàng tháng trong ngành dịch vụ là 228.000 việc làm.
Tháng trước, việc làm trong lĩnh vực thương mại bán lẻ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11-2023. Chăm sóc sức khỏe là một điểm sáng đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ, tạo thêm việc làm với tốc độ nhanh chóng trong vài niên kỷ qua, ngoại trừ tình trạng sụt giảm vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Gần đây, một số doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe nhận thấy nhu cầu đang chững lại.
Thị trường việc làm phục hồi đáng kinh ngạc khi nền kinh tế Mỹ mở cửa sau đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4% trong năm 2023. Tuy nhiên, gần đây, thị trường việc làm đã hạ nhiệt. Mỹ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Sáu tăng lên mức 4,1%, cao nhất kể từ tháng 11-2021. Đồng thời, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đang có xu hướng tăng lên.
Fed có thể phải quyết liệt giảm lãi suất
Theo nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s, nếu Fed duy trì chiến lược lãi suất cao càng lâu thì nguy cơ nền kinh tế tổn thương càng lớn.
“Chúng tôi bắt đầu thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và số lao động bị sa thải cao hơn trong bối cảnh thị trường việc làm suy yếu. Đó là mối lo ngại ngày càng tăng”, ông nói.
Các dự báo bi quan bắt đầu xuất hiện. Trong báo cáo gửi khách hàng gần đây, Peter Berezin, giám đốc chiến lược toàn cầu của BCA Research, cho rằng suy thoái sẽ xảy ra với nền kinh tế Mỹ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. Cơn suy thoái sẽ khiến chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm xuống còn 3.750 điểm trong năm 2025, thấp hơn 30% so với điểm số hiện nay.
“Sự đồng thuận của các chuyên gia về kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là sai lầm. Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới cũng sẽ chậm lại đáng kể”, Berezin nhận định.
Berezin đưa ra dự báo bi quan như trên một phần vì tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ “chậm chân” trong việc giảm lãi suất và cơ quan này chỉ nới lỏng các điều kiện tài chính một cách có ý nghĩa khi suy thoái kinh tế đã rõ ràng. Ông lưu ý, thị trường lao động Mỹ đang suy yếu rõ rệt, với số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng Tư và tháng Năm bị điều chỉnh giảm so với ước tính ban đầu.
“Hai năm trước, người lao động thất nghiệp chỉ cần rảo chân trên các tuyến phố là có thể tìm được việc mới. Nhưng điều đó đang ngày càng khó khăn hơn”, Berezin nói.
Trong báo cáo mới đây, các nhà phân tích của Citi Research dự báo, với các dấu hiệu suy yếu mới của nền kinh tế, Fed có thể cắt giảm lãi suất đến 200 điểm cơ bản thông qua 8 đợt giảm lãi suất 25 điểm, bắt đầu từ tháng 9.
“Hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục giảm lãi suất trong 7 cuộc họp tiếp theo (sau tháng 9)”, trích báo cáo. Citi Research cho rằng, đến tháng 7-2025, lãi suất chuẩn của Fed sẽ giảm về biên độ 3,25-3,5% so với 5,25-5,5% hiện nay.
Nhiều nhà phân tích lưu ý, mức giảm 48.900 việc làm tạm thời trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 4-2021, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, là điều đáng báo động. Việc làm tạm thời thường suy giảm mạnh ngay trước thời điểm kinh tế suy thoái khi người sử dụng lao động bắt đầu sa thải những người lao động ít gắn bó nhất.