Một tuần ghi nhận 85 ca mắc mới COVID-19
Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần là 85 ca, giảm mạnh so với tuần trước đó.
Xuất hiện bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy
Bộ Y tế cho biết ngày 25/2 có 10 ca mắc mới COVID-19, nhiều gấp 2,5 lần số khỏi bệnh. Tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần là 85 ca, trung bình hơn 12 ca/ ngày, giảm mạnh so với tuần trước đó. Trong tuần ngày 19/2 có số ca mắc mới thấp nhất chỉ ghi nhận 4 ca; Ngày cao nhất 22/2 với 24 ca.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.891 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.488 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là 10.614.759 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 3 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 1 ca. Đây cũng là tuần đầu tiên trong vài tháng qua, xuất hiện trở lại bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy.
Đến nay đã 57 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Còn nhiều tỉnh, thành vẫn tiêm vắc xin COVID-19 chậm
Theo thống kê, đến ngày 25/2, tổng số mũi tiêm vắc xin COVID-19 trên cả nước là 266.284.152 mũi. Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 25/2 là: 3.417 mũi tiêm tại 5 tỉnh, trong đó 1.361 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 2.056 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.947.901 mũi tiêm (81,4%), trong ngày có 2 tỉnh triển khai với 479 người được tiêm.
Ảnh minh hoạ |
Trong đó, 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (64,5%); Phú Yên (63,2%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%); 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.575.068 mũi tiêm (87,8%) tăng 0,1%, trong ngày có 3 tỉnh triển khai với 866 người được tiêm
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.809.629 mũi tiêm (69,1%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.545.718 mũi tiêm. Mũi 1: 10.262.471 mũi tiêm (92,8%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,9%); Đà Nẵng (68,5%); TP HCM (64,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (73,3%)
Mũi 2: 8.283.247 mũi tiêm (74,9%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,2%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41,1%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%).
Nhìn thống kê trên có thể thấy hiện vẫn còn một số địa phương đang tiêm vắc xin COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên và cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chậm so với bình quân chung của cả nước.
Do đó Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Liên quan đến công tác tiêm vắc xin COVID-19, mới đây Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm bệnh tật các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc khẩn trương tiếp nhận và tăng cường tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Tại văn bản này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương đề nghị các đơn vị tăng cường tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn để nâng cao tỷ lệ và sử dụng vắc xin đã được phân bổ; Tiếp tục rà soát đối tượng và nhu cầu bổ sung vắc xin gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương/ Viện Pasteur để lập kế hoạch dự trữ vắc xin và cung ứng kịp thời.