Mở ra cánh cửa tài chính để phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

Với mục tiêu tăng trưởng năng lượng tái tạo (NLTT) đạt khoảng 20% tổng công suất đặt năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nguồn NLTT trong thời gian tới sẽ lên tới hàng chục tỷ USD. Do đó, tìm ra giải pháp huy động hiệu quả nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đặc biệt là từ doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu này.

Các diễn giả tham gia hội thảo trực tuyến tại các điểm cầu

Ngày 29/3, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc Việt Nam (Britcham) phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến về phát triển bền vững với chủ đề: “Mở ra cánh cửa tài chính để phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam”. Đây là hội thảo thứ 3 trong chuỗi các hội thảo trực tuyến do Standard Chartered và Britcham phối hợp tổ chức từ tháng 9/2021 đến cuối năm 2022 trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam và ứng dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong doanh nghiệp. Các sự kiện này sẽ tập trung các chủ đề liên quan và có sự đóng góp ý kiến của đại diện các cơ quan ban ngành, tổ chức và chuyên gia để giúp các doanh nghiệp vạch ra các chiến lược hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững.

Năng lượng tái tạo sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng, Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, nhờ có các chính sách, biện pháp kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua, thị trường điện năng lượng tái tạo đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 26% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Kết quả thực tế năm 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt gần 30 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao, đảm bảo cung ứng điện đặc biệt trong thời điểm phụ tải cao tại miền Bắc. Thị trường Việt Nam cũng đã chứng kiện sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và các ngân hàng thương mại trong đầu tư phát triển nguồn NLTT.

Việc đầu tư xây dựng các dự án điện sử dụng nguyên liệu hoá thạch như điện than, dầu, khí… dự kiến sẽ có nhiều rủi ro về nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, các nguồn điện năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới, không chỉ góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý; mà sẽ mang lại hiệu quả cao cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, dịch vụ; gia tăng việc làm; tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.   

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng và hiện đang hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo hướng đa đạng, tập trung khuyến khích phát triển các nguồn điện NLTT với tỷ lệ hợp lý; giảm tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện than trong cơ cấu sản xuất; nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như tích năng, năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng hydrogen, năng lượng từ rác thải…”, ông Phạm Nguyên Hùng chia sẻ.

Đi tìm bài toán vốn cho phát triển năng lượng tái tạo

Từ thực tế tại Việt Nam, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và một nền kinh tế trung hòa các-bon vào năm 2050. Nguồn vốn sẽ là một trong những yếu tố then chốt để giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này và các tổ chức tín dụng như Standard Chartered có thể mang đến những sự đóng góp dưới vai trò là những đơn vị cung cấp nguồn vốn.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế cần được giải quyết để các bên có thể đưa ra những cấu trúc và phương án cấp vốn trên sự hợp tác với chính phủ và các đối tác. “Hội thảo ngày hôm nay là một phần trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm hỗ trợ Việt Nam trong hành trình đạt được mức phát thải các-bon bằng 0. Chúng tôi đã và đang làm việc chặt chẽ với các bên liên quan nhằm đề xuất và phát triển cấu trúc cấp vốn cho sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách bền vững, minh bạch và hiệu quả” , bà Michele Wee chia sẻ.

Còn theo ông Denzel Eades, Thành viên Hội đồng quản trị, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc Việt Nam, nguồn vốn tài trợ quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn không truy đòi (non-recourse financings) bằng USD hiện vẫn chưa phổ biến trong thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Do đó, các nhà phát triển dự án và đơn vị cấp vốn cần chủ động làm việc với các bên liên quan để đưa ra mức phân bổ rủi ro, dựa vào đó lĩnh vực nhà nước và tư nhân có thể hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu năng lượng sạch của Việt Nam.

“Với mục tiêu tăng trưởng NLTT đạt khoảng 20% tổng công suất đặt năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nguồn NLTT trong thời gian tới sẽ lên tới hàng chục tỷ đô la. Tôi cho rằng đây là cơ hội, cũng như thách thức lớn đối với các nhà đầu tư, cũng như Chính phủ Việt Nam”, ông Phạm Nguyên Hùng bày tỏ.

Để huy động hiệu quả nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho phát triển NLTT và đặc biệt là từ doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế đối với các dự án NLTT quy mô lớn như điện gió ngoài khơi, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt, được thể hiện thông qua các quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, thuế, sử dụng đất,… đặc biệt đối với hoạt động đồng tư trong lĩnh vực NLTT là lĩnh vực ưu tiên phát triển.

“Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quy định về đấu thầu phát triển các dự án nguồn điện trình cấp có thẩm quyền thông qua. Tôi tin rằng cơ chế đấu thầu dự án sẽ đảm bảo tăng cường hiệu quả trong đầu tư, minh bạch trong thủ tục phát triển dự án, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp”, ông Phạm Nguyên Hùng chia sẻ. 

Lượt xem: 221
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật