Mô hình TOD - Lối ra cho phát triển đường sắt đô thị

Góp ý vào Điều 39 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Giải pháp đột phá về nguồn lực đầu tư

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện Quy hoạch, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông).

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Theo các chuyên gia giao thông, một trong những khó khăn lớn nhất đối với đường sắt đô thị hiện nay là thiếu vốn. Để có thể thu hút vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, Nhà nước phải bỏ vốn làm trước các tuyến cam kết (Tuyến cam kết là các tuyến đi trong khu vực nội đô lịch sử, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp…)

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ. Hiện tại mới có cơ chế đối với các hộ bị thu hồi đất nhưng hoàn toàn chưa có chế độ cho những hộ bị ảnh hưởng hoặc phải phá dỡ.

Để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn cốt yếu vẫn phải thay đổi từ chính sách, cơ chế đột phá để địa phương triển khai.

Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13.31 tỷ USD).

Để có thêm nguồn vốn đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị, một giải pháp chính sách được quy định tại Điều 39 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (dự án TOD). Đây là dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) nhận định, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hình rõ chính sách phát triển đô thị và nhà ở tại Thủ đô, trong đó tập trung sửa đổi các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Nghiên cứu Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy, Hà Nội mong muốn tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả.

Mô hình TOD - Lối ra cho phát triển đường sắt đô thị

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Thành phố đặt mục tiêu chiến lược hiện thực hóa các đô thị vệ tinh, đô thị hai bên sông đã được xác định theo Quy hoạch chung 1259 của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 và Quy hoạch chung (điều chỉnh) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023.

Đặc biệt, Hà Nội đang chủ trương phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang đánh giá, mô hình TOD là một vấn đề mới ở Việt Nam. Mô hình này là giải pháp phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như Hà Nội. Theo hướng đi này, người dân sẽ dần hình thành thói quen đi bộ để tới phương tiện giao thông công cộng (phạm vi bán kính 400-800m).

Giải pháp này sẽ giãn được mật độ dân số ở khu vực trung tâm ra các khu vực bên ngoài, gia tăng giá trị sử dụng đất ở khu vực ngoài đô thị trung tâm, giảm bớt được sự chênh lệch về đời sống giữa các khu vực; từ đó góp phần tăng lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Ái Vang lưu ý, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, cần xem xét kĩ mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Theo ThS. Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng là mô hình khá thành công ở Hồng Kông, Singapore và các tỉnh phía Đông của Trung Quốc. Kinh nghiệm của các dự án phát triển đô thị đường sắt công cộng gắn với phát triển bất động sản của Hồng Kông đã tạo ra đô thị mới ở phía Nam của Hồng Kông là Disney Land và Ocean Park của Hồng Kông, làm gia tăng giá trị thặng dư của bất động sản ở khu vực này và đây là một bài học kinh nghiệm rất quý để xây dựng đường sắt đô thị cho Thủ đô Hà Nội trong thu hút nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, phát triển giao thông, đô thị.

Lượt xem: 19
Tác giả: Diệu Linh
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật