M&A hứa hẹn sẽ có bứt phá

Chỉ tính riêng trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2022, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) đã tăng độ nóng khi diễn ra gần chục thương vụ với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD. Trong đó, không thể không kể đến một số thương vụ đình đám trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, thương mại, sản xuất…

Cụ thể, SK Group và Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố việc ký kết thỏa thuận mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu. Thỏa thuận đầu tư của SK khẳng định năng lực cải thiện vận hành và lợi nhuận VCM nhằm tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng, danh mục sản phẩm và tiết kiệm chi phí.

Trước đó, Tập đoàn Masan cũng đã chi ra 110 triệu USD để mua thêm 31% cổ phần của Trà sữa Phúc Long, từ đó thuận tiện hơn trong việc đầu tư mở rộng chuỗi đồ uống và thực phẩm dùng nhanh và tích hợp vào chuỗi Winmart theo mô hình “Point of Life” - nơi phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

ma hua hen se co but pha

Ảnh minh họa

Trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng chứng kiến thương vụ trị giá 212,5 triệu USD do Tập đoàn Hibiscus Petroleum chi ra để mua lại dự án khai khác dầu khí của Repsol tại Việt Nam và Malaysia. AC Energy (ACEN), công ty con thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) cũng bỏ 165 triệu USD để mua 49% cổ phần của Solar NT - đơn vị đang sở hữu và vận hành 9 nhà máy điện mặt trời tại thị trường Việt Nam.

Còn đối với lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư Singapore Keppel Land ký một thỏa thuận với Công ty cổ phần địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại khu đô thị Bắc An Khánh - Mailand Hanoi City với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng. Hay tại TP.HCM, nhà đầu tư mới nổi Masterises Group thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An 117 ha có vị trí đắc địa tại TP. Thủ Đức và đổi tên thành The Global City.

Chuỗi bán lẻ Con Cưng nhận 90 triệu USD đầu tư từ quỹ Quadria Capital, nguồn vốn mới này dự định dùng để mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé từ nay đến năm 2025. Đồng thời, khoản đầu tư này cũng được dùng để phát triển ứng dụng chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa tất cả trong một, dựa trên nhu cầu khách hàng.

Theo nhận định của một số chuyên gia, sở dĩ, “sóng” M&A nhộn nhịp ngay đầu năm nay bởi trong năm qua, Việt Nam đã có những tín hiệu kiểm soát tốt, thúc đẩy nền kinh tế phát triển trở lại, hơn nữa sau một thời gian dài bị dồn nén, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhanh chóng tìm cách xoay chuyển tình hình, bắt kịp chuyển biến mới trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp giàu tiềm lực tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, sản xuất kinh doanh, công nghệ… cần bổ sung một nguồn vốn lớn để phục vụ cho nhu cầu phát triển, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời hậu giãn cách xã hội, hứa hẹn cho một năm bận rộn cho các công ty luật, tư vấn và thẩm định giá.

“Rõ ràng, sự khởi sắc của việc luân chuyển dòng vốn, thâu tóm tài sản cho thấy giới đầu tư, “cá mập” không ngừng tìm kiếm cơ hội, cũng như dòng tiền vẫn còn dồi dào khi chứng kiến nhiều thương vụ thành công và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này cho thấy Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn trong khu vực”, chuyên gia khẳng định.

Một kết quả khảo sát của KPMG cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư đang lạc quan và tin tưởng vào sự tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022. Đây sẽ là nền tảng hỗ trợ cho thị trường M&A, đặc biệt là các lĩnh vực hấp dẫn với hoạt động M&A. Bàn về vấn đề này, ông Warrick Cleine - Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng rộng lớn và đang phát triển với dân số gần 100 triệu người, cùng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, dự kiến sẽ tăng lần lượt lên 25% và 30% vào năm 2025 và 2030. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong các ngành chủ chốt như bán lẻ, F&B, dịch vụ tài chính, bất động sản, hậu cần và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, là môi trường pháp lý tốt hơn cho các nhà đầu tư, nhất là các FTA có hiệu lực sắp tới và thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực có hiệu lực từ năm 2022.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có luật chuyên biệt về M&A, thay vào đó, hoạt động M&A được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và Luật Cạnh tranh. Những thay đổi gần đây trong các luật này đã đặt ra những thách thức bổ sung cho những người mua tiềm năng. Vì vậy thời gian tới, cần có những cải cách thể chế và chính sách thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Việt phát triển thành các tập đoàn lớn, thâm nhập vào thị trường thế giới và ngược lại.

Tuyết Thanh

Lượt xem: 222
Tác giả: admin1
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan