Ngân hàng giải tỏa nỗi lo ẩn số nợ xấu

Nỗi lo về nợ xấu của ngành ngân hàng đang được giải toả phần nào thông qua kết quả kinh doanh năm 2021, trong đó các nhà băng đã tăng mạnh trích lập dự phòng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao kỷ lục.

Ông Quản Trọng Thành, chuyên viên phân tích ngân hàng của Maybank Investment Bank cho rằng, nợ xấu tăng thực chất không quá mức đáng lo và thậm chí trong kịch bản xấu nhất khi tất cả nợ tái cơ cấu đều chuyển thành nợ xấu thì cũng không gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng như giai đoạn 2012-2014. Trên thực tế, khi nền kinh tế phục hồi, hầu hết các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ đủ tiêu chuẩn. 

Nợ xấu tăng cao kỷ lục

Kết thúc năm tài chính 2021, VPBank, VietinBank và BIDV là 3 ngân hàng có khoản nợ xấu cao hàng đầu, từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng. Trong đó, VPBank có hơn 15.800 tỷ đồng nợ xấu, tăng 60% so với năm trước, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,41% lên 4,47%.

no-xau-4905-1644831902.jpg

Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng Nghị quyết 42 lên thành luật riêng về xử lý nợ xấu để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. (Ảnh minh hoạ: Int)

Nợ xấu tại VietinBank cũng bị đẩy lên một bậc so với năm trước, với gần 14.300 tỷ đồng, tăng gần 49%, đến từ khoản nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh gần 275% lên hơn 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu tại BIDV giảm gần 38%, nhưng vẫn còn hơn 13.200 tỷ đồng, nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58% kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm xuống.

Áp lực nợ xấu cũng gia tăng tại một số ngân hàng tư nhân vốn được đánh giá có chất lượng tài sản "khỏe mạnh" như ACB, Techcombank. Cụ thể, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank tăng đến 77%, lên 2.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% lên 0,66%.

Tại ACB, tính đến cuối năm 2021, nợ xấu tăng 52,1% so với năm 2020 lên mức 2.799 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,6% hồi đầu năm lên 0,78%.

Nợ xấu ở một số ngân hàng nhỏ cũng có xu hướng tăng như: Nam A Bank (tăng 117%); NCB (tăng 105%); VietBank (tăng 135%); Saigonbank (tăng 46%)…

Có thể nói, dịch bệnh diễn biến phức tạp, những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng thì sẽ có nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, có thể có cả những ngân hàng ghi nhận nợ xấu từ các công ty con hạch toán hợp nhất (như trường hợp VPBank hạch toán hợp nhất nợ xấu chủ yếu từ FeCredit).

"Ngân hàng Nhà nước xác định nợ xấu là thử thách lớn cần phải đối mặt trong năm 2022. Song, ngành ngân hàng cũng đã có những giải pháp, trước hết phải bảo đảm được các an toàn tài chính cho các tổ chức tín dụng trong vấn đề nợ xấu tăng".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Chuyên gia kinh tế - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nợ xấu có xu hướng tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh và là một trong những thách thức lớn nhất trong năm 2022. Dự báo trong năm 2022, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2,3 - 2,5%, nếu tính cả nợ đã bán VAMC và nợ tiểm ẩn là khoảng 7,31%.

Quan trọng là trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ “ứng xử” ra sao với nợ xấu?

Tăng bộ đệm kiểm soát nợ xấu

“Ngấm đòn” nợ xấu năm 2020 nên nhiều ngân hàng chạy đua xử lý nợ xấu. Việc tăng tốc trích lập dự phòng năm 2021 của nhiều ngân hàng cải thiện ở mức đáng ngạc nhiên, thậm chí chủ động trích lập đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14 trước thời hạn 2023.

Có thể nói, Vietcombank là trường hợp ấn tượng nhất về kiểm soát và xử lý nợ xấu, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục trong ngành ngân hàng, đạt tới 424%. Đặc biệt, toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Vietcombank trích lập đủ 100%, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

Tương tự, dự phòng bao phủ nợ xấu riêng ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% - là một trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành, chỉ sau Vietcombank.

Trong năm 2021, BIDV cũng là ngân hàng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất trong những năm gần đây và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, đạt 235%. Còn tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức 171%, tăng mạnh so với con số 132% của cuối năm 2020. Agribank cũng cho biết, đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140% để dự phòng cho năm 2022. Techcombank với tỷ lệ là 184%, ACB tăng từ 160% lên 198%…. 

Chính vì vậy, các chuyên gia và các ngân hàng đang có một cái nhìn lạc quan về tình hình nợ xấu của các nhà băng trong năm 2022. Tại cuộc họp với giới phân tích về báo cáo tài chính quý III/2021 (giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài và ảnh hưởng nặng đến khả năng trả nợ của khách hàng), ban lãnh đạo các ngân hàng cho rằng 95% các khoản nợ tái cơ cấu sẽ phục hồi.

Đại diện VIB cho biết: "Các hỗ trợ của VIB kịp thời và hiệu quả khi nợ của các khoản vay đã cơ cấu được hầu hết khách hàng thanh toán đầy đủ và đúng hạn, giúp tổng dư nợ tái cấu trúc của ngân hàng giảm đều từng thời kỳ".

Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định năm 2022, rủi ro cho nợ xấu ngân hàng là Thông tư 14 về cơ cấu nợ không được gia hạn. Song ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng được hồi phục.

Một cuộc khảo sát mới được Ngân hàng Nhà nước tiến hành gần đây cho thấy, đa số tổ chức tín dụng được khảo sát đều nhận định nợ xấu toàn hệ thống sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý I/2022.

Tất nhiên, xét theo tỷ lệ toàn hệ thống, nợ xấu năm 2021 có thể sẽ tăng hơn so với năm 2020. Mặc dù vậy, không có cú sốc nào về nợ xấu xảy ra. Thậm chí, lợi nhuận tăng trưởng khả quan giúp nhiều ngân hàng tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Huyền Anh

Lượt xem: 268
Tác giả: Nợ xấu tăng cao kỷ lục
Tin liên quan