Làm nông nghiệp thông minh hút vạn khách tới thăm quan, nông dân huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đổi đời
Bằng nhiều giải pháp thông minh, người dân trên địa bàn huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang biến khó khăn thành lợi thế, gặt hái thành công với nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả vượt trội, đặc biệt là nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
Cách đây vừa tròn 6 năm, sau thời gian dài chật vật với những mô hình sản xuất cũ, thu nhập bấp bênh, chị Hà Thị Tuyết, xã Thành Lâm, quyết định chuyển hướng theo đuổi mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, tạo ra bước ngoặt đầy bất ngờ cho gia đình chị.
“Làn gió mới” từ du lịch sinh thái
Nhớ lại thời điểm bắt đầu, chị Tuyết chia sẻ vào khoảng năm 2018, mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm đã bắt đầu manh nha và cho thấy tiềm năng rất lớn ở Bá Thước. Các địa điểm tham quan trên địa bàn huyện ngày càng nổi tiếng hơn.
Với thực tế ấy, chi Tuyết bàn với gia đình và các cộng sự cùng chí hướng chủ trương “bắt trend” phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Để hiện thực hóa các ý tưởng đề ra, chị Tuyết chủ động đăng ký lớp học nghề đầu bếp và các khóa học đào tạo về kỹ năng làm du lịch.
Ruộng bậc thang và văn hóa đặc sắc của người Thái là "đặc sản" du lịch ở Bá Thước. |
Sau các lớp học ngắn nhưng đầy đủ kiến thức, chị Tuyết trở về, bắt đầu vay vốn mở homestay, hút khách tới tham quan, trải nghiệm. Nhờ làm du lịch, gia đình chị Tuyết không những thoát nghèo, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là những “cánh chim lẻ”, phong trào phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước đang ngày càng lan rộng, cho hiệu quả cao, tạo động lực trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, lượng khách du lịch đến Bá Thước liên tục tăng lên. Riêng trong năm 2023, toàn huyện đón trên 130.500 lượt khách, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế 18.000 lượt, khách trong nước 112.500 lượt. Năm 2024, lượng khách được dự báo tăng 30-50%.
Đến nay, toàn huyện có 102 cơ sở lưu trú, trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông là 82 cơ sở, công suất đón khoảng trên 2.800 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 420 lao động địa phương và hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước khoảng 220 tỷ đồng.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp
Theo lãnh đạo UBND xã Thành Lâm, để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về việc phát triển du lịch xã Thành Lâm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã đã tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có.
Đặc biệt, 2 cảnh quan ruộng bậc thang, các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái là tài nguyên chủ lực của xã. Bên cạnh đó, xã tích cực huy động mọi nguồn lực đề đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
“Phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã giúp các hộ gia đình trong xã Thành Lâm có nguồn thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiệu quả của ngành du lịch trở thành điểm tựa để xã thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới”, vị lãnh đạo UBND xã Thành Lâm cho hay.
Nông nghiệp xanh gắn với du lịch cộng đồng tiếp tục là định hướng của ngành nông nghiệp Bá Thước. |
Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng, các địa danh như thôn Đôn (xã Thành Lâm), Kho Mường (xã Thành Sơn), Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm), hay các thôn Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ), thác Dần Long (xã Lương Ngoại),... ngày càng nổi tiếng. Đến những địa điểm trên, du khách được trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên núi rừng, đắm chìm trong bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái...
Cùng với du lịch, huyện Bá Thước cũng đang đẩy mạnh thúc đẩy du lịch theo hướng hàng hóa, trong đó chủ động nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị.
Gia đình ông Lê Chí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư trước đây là một trong những hộ nghèo của xã, nguồn thu chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Kể từ năm 2015, được xã tuyên truyền, vận động, ông đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới. Với gần 300m2 xây dựng, ông Dũng đưa các loại cây trồng vào sản xuất, như: mồng tơi, cà pháo, mướp, lạc, rau các loại...
Chỉ sau thời gian ngắn trồng, chăm sóc, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến năm 2018, ông Dũng thành lập HTX sản xuất rau an toàn Điền Lý, với 20 thành viên. Hiệu quả kinh tế từ mô hình đã khích lệ cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã cùng tham gia hợp tác.
Theo tính toán, mô hình trên góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân ở xã Điền Lư gấp 2 đến 3 lần so với cây trồng truyền thống. Đến nay, thôn Điền Lý có 190/215 hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP.
Thúc đẩy các mô hình hiệu quả
Hay như mô hình trồng dược liệu của HTX Pù Luông đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, HTX có 5 ha dược liệu, chủ yếu là cây xạ đen, chè đắng, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu...
Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Từ hiệu quả kinh tế trồng cây dược liệu, HTX Pù Luông đang tiến hành nhân rộng thêm hơn 60 ha ở 8 xã trên địa bàn huyện Bá Thước, chủ lực ở 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao.
Với hàng loạt mô hình sản xuất hiệu quả, đến nay huyện Bá Thước có 10 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như mật Ong rừng Pù Luông, gạo nếp Cú Mắc Cải, khăn thổ cẩm Mường Khòong, Trà Quýt Hoi, đũa tre Rầm Tám…