Kịp thời hỗ trợ người lao động tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trước những biến động của nền kinh tế thị trường, một số doanh nghiệp buộc giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều công nhân. Tuy nhiên, với chủ trương, chính sách linh hoạt, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã kịp thời tư vấn, hỗ trợ người lao động tiếp cận với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống trước mắt cho nhiều người.

Kết nối cung - cầu, hỗ trợ người lao động

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Với tính ưu việt của chính sách BHTN, tỷ lệ lao động tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng. Đặc biệt, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách BHTN đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình họp mặt đoàn viên, công đoàn viên, người lao động tiêu biểu dịp Xuân Quý Mão 2023
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình Họp mặt đoàn viên, công đoàn viên, người lao động tiêu biểu dịp Xuân Quý Mão 2023

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/12/2022, số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn đã tham gia BHTN là 103.921 đơn vị; Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn đã tham gia BHTN là 2.453.073 người; Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 146.285 người và số người có quyết định hỗ trợ học nghề là 1.094 người.

Trong khi đó, tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hồ Chí Minh (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH), năm 2022, đã tư vấn việc làm cho 613.109 người; Số người được giới thiệu việc làm là 177.089 người.

Đặc biệt, trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Việc làm thành phố đã tổ chức 120 phiên, sàn giao dịch việc làm, trong đó có các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho quân nhân xuất ngũ; Chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn chính sách BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp có cắt giảm lao động do tình hình thiếu đơn hàng sản xuất...

Với tinh thần đó, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hồ Chí Minh đã kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho người lao động tiếp cận với chính sách BHTN và hưởng trợ cấp thất nghiệp; Thực hiện các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động để kịp thời hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường, cũng như tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao nghiệp vụ.

Một buổi tư vấn giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho người lao động
Một buổi tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí của Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hồ Chí Minh cho người lao động

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng theo nhận định của Sở LĐ-TB&XH, công tác triển khai liên quan đến BHTN thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Chẳng hạn như: Theo quy định, người lao động có tham gia BHTN đủ thời gian theo quy định, khi chấm dứt quan hệ lao động và chưa có việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng trên thực tế, vẫn xuất hiện trường hợp người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên vẫn làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động (VD: Chạy xe công nghệ, hoặc kinh doanh tự do), điều này không phản ảnh đúng chính sách BHTN dành cho người lao động thất nghiệp.

Bên cạnh đó, việc người sử dụng lao động không quan tâm báo cáo tình hình biến động lao động khi có thay đổi lao động theo quy định đã ảnh hưởng đến công tác theo dõi hỗ trợ người lao động. Hay như việc chia sẻ dữ liệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ quan lao động còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc rà soát tình trạng việc làm để tránh chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người đã có việc làm…

Cần xem người lao động là tài sản chính của doanh nghiệp

Do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, nhất là các đơn hàng trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến gỗ xuất khẩu đi các nước, ảnh hưởng rất lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Trước tình hình lao động được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số giải pháp nhằm khơi dậy lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó nắm chắc tình hình quan hệ lao động để kịp thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động thành phố và các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với đó, kịp thời nắm bắt thông tin các doanh nghiệp có nhiều người lao động nghỉ việc do sắp xếp cơ cấu bộ máy, hoặc không tiếp tục ký hợp đồng lao động để nhanh chóng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề, hoặc theo nguyện vọng của người lao động.

Sở LĐ-TB&XH cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần quan tâm hơn trong việc chăm lo cho người lao động
Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh khuyến nghị doanh nghiệp cần quan tâm hơn trong việc chăm lo cho người lao động

Sở LĐ-TB&XH cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần quan tâm hơn trong việc chăm lo cho người lao động, xem người lao động là tài sản chính của doanh nghiệp để có chính sách đào tạo, chế độ lương thưởng, nghỉ dưỡng, hỗ trợ nhà ở hoặc tiền thuê nhà; Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố, Cục Thuế thành phố và đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nợ đọng thực hiện đúng quy định pháp luật về BHXH; Đẩy mạnh truyền thông các chính sách BHXH, BHYT mới; Tuyên truyền sâu rộng đến người lao động qua nhiều hình thức, trong đó, quan tâm đến nội dung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị các Sở, ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của UBND và Thành ủy TP Hồ Chí Minh về chính sách BHXH. Tăng cường công tác thanh tra về BHXH đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Đẩy mạnh thực hiện phối hợp thanh, kiểm tra liên ngành để kịp thời pháp hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm vi phạm; Công khai danh tính các đơn vị nợ trên phương tiện thông tin đại chúng.

Lượt xem: 3
Tin liên quan