Kinh doanh nhượng quyền trong bán lẻ
Ảnh hưởng của nhượng quyền thương mại lên sự phát triển chung của thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng rõ nét.
Theo Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Quốc tế, thị trường nhượng quyền thương mại Việt Nam xếp hạng 8 trong số 20 thị trường tiềm năng nhất trên thế giới. Và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các thương hiệu nước ngoài, đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường qua hình thức nhượng quyền.
Thị trường nhượng quyền thương mại Việt Nam từ 2019 sẽ còn sôi động với rất nhiều doanh nghiệp |
Nhìn lại sau hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay rất nhiều ngành công nghiệp bán lẻ được hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này, trong đó có thể kể đến ngành thực phẩm đồ uống, với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đang có mặt tại Việt Nam như McDonald’s, Baskin Robbins, Pizza Hut, KFC và Burger King; Lĩnh vực giáo dục có Cleverlearn, Dale Carnergie; Ngành thời trang mỹ phẩm có BVLGARI, Bottega Veneta, The Body Shop… và các cửa hàng tiện lợi 7 -Eleven, Circle K. Riêng doanh nghiệp Việt Nam cũng không bỏ qua cơ hội này với Phở 24, cà phê Milano, Trung Nguyên…
Dự báo, thị trường nhượng quyền thương mại Việt Nam từ 2019 sẽ còn sôi động với rất nhiều doanh nghiệp đến từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc….
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Retail & Franchise Asia (doanh nghiệp chuyên ngành dịch vụ bán lẻ và nhượng quyền tại Việt Nam), hình thức nhượng quyền thương mại phát triển nhanh tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây và dự báo còn tiếp tục tăng trưởng từ năm 2019 trở đi, khi các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán lẻ hưởng lợi từ nhượng quyền thương mại ngày càng tăng.
Trong đó, cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng bán lẻ là 2 mô hình được nhượng quyền thương mại nhiều nhất, và cũng được đánh giá là tiềm năng nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường cửa hàng thức ăn nhanh đặc biệt sôi động. Hiện nay, các thương hiệu thức ăn nhanh chủ yếu đến từ Hoa Kỳ. Nhưng thời gian tiếp theo sẽ đến lượt các doanh nghiệp châu Á nổi tiếng như TenRen (Đài Loan), Loteria (Hàn Quốc)…
Ngành thực phẩm đồ uống cũng đang có xu hướng phát triển mạnh về nhượng quyền thương mại, với tổng doanh số thực phẩm dự báo sẽ tăng trưởng mạnh vào giai đoạn 2019 – 2021 (năm 2018 đạt 32,1 triệu USD). Ngoài ra, thực phẩm và đồ uống cũng chiếm xấp xỉ 20% tổng thu nhập gia đình người Việt hiện nay. Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê cũng sôi nổi gia nhập thị trường nhượng quyền thương mại.
Cụ thể, Tập đoàn nhà hàng Golden Gate Group hiện đang sở hữu 22 bản quyền nhà hàng, và hơn 220 nhà hàng trên toàn quốc. Hay thương hiệu nhà hàng Huy Vietnam, hiện đang sở hữu 140 nhà hàng và 4 thương hiệu chuyên về ẩm thực Việt. Trung Nguyên, Phở 24 và Highlands Coffee là những thương hiệu nội nổi tiếng, đang phát triển mạnh mẽ ở cả thị trường trong và ngoài nước (Trung Nguyên Coffee sở hữu mạng lưới nhượng quyền lớn nhất Việt Nam, với hơn 1.200 cửa hàng được mở kể từ năm 1998).
Mới nhất trên thị trường là các cửa hàng tiện lợi với các thương hiệu lớn như Circle K, Family Mart và Shop&Go đang mở rộng rất nhanh tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới đây, nhượng quyền thương mại sẽ phổ biến hơn trong một số lĩnh vực khác như giáo dục và đào tạo, dịch vụ giải trí, sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp và đời sống.