Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho công nhân

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.

Cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

Sáng 28/10, phát biểu thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến năm 2023, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho công nhân
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Tuy nhiên, đại biểu cũng góp ý về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân. Từ thực tiễn địa phương, ông kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân bởi đây là lực lượng có vị trí vô cùng quan trọng, có những đặc điểm, đặc thù so với các lực lượng lao động khác nhưng quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này; Hoặc chỉ là những quy định rải rác trong một số văn bản có liên quan và còn có những bất cập như tại điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.

Đại biểu đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đã nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cần nguồn lực rất lớn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn huy động cả nguồn lực từ các cá nhân, hộ gia đình.

“Từ thực tiễn ở Bắc Giang, hiện chúng tôi có hơn 5.000 nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng cho công nhân thuê. Tuy nhiên, số lượng nhà ở như vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho công nhân nên cần tiếp tục khuyến khích các cá nhân xây dựng thêm nhà ở cho công nhân với số lượng khoảng 180.000 nhà ở”, ông Tuấn nói.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục cụ thể hoá, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; Đồng thời chú trọng triển khai cơ chế vay ưu đãi cho các hộ gia đình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân.

Sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp

Phát biểu giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách an sinh xã hội thực hiện thời gian qua đã được thể hiện rất cụ thể trong báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho công nhân
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian vừa qua với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Đến nay đã hỗ trợ 87.000 tỉ cho trên 56 triệu lao động và 730 nghìn người sử dụng lao động. “Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Chính những chính sách này góp phần quan trọng ổn định lòng dân, thu hút người lao động quay lại làm việc, góp phần quan trọng vào phục hồi kinh tế ngày hôm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, các thể chế về vấn đề này và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội. Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch COVID- 19, nhất là trẻ em mồ côi. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, thu nhập bình quân người lao động trong quý 3 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương đều phân bổ, chương trình, dự án trong chương trình giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đã có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình, của người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.

Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên, lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. Người lao động đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, nhìn chung về công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững của chúng ta còn nhiều thách thức.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.

Lượt xem: 31
Tác giả: Ánh Dương
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật