Không nhất thiết Cục, Tổng cục nào cũng cần có thanh tra

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 14/11. Sáng nay (25/10), thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với việc thành lập thanh tra cấp huyện và tổng cục. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, Tổng cục nào cũng cần có thanh tra

Quy định hệ thống thanh tra ba cấp là cần thiết

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc quy định hệ thống thanh tra ba cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện. Dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. Điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Nhưng nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Không nhất thiết Cục, Tổng cục nào cũng cần có thanh tra
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Về thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đại biểu Hoà cho rằng, pháp luật hiện hành chưa cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ nhưng luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo đại biểu việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, Tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

Về phân định quyền hạn cụ thể giữa thanh tra Bộ và thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn tránh chồng lấn, đại biểu cho rằng, nên quy định việc nào thanh tra Tổng cục, Cục cuộc Bộ, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra thì thanh tra Bộ không thanh tra, để hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.

Đối với đề nghị bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của Thanh tra viên, đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm: Quy định tuyên thệ với đối tượng trên là không cần thiết, “không mang tính chất tuyên thệ có khi lại phản tác dụng”.

Về nhiệm vụ quyền hạn của thanh tra huyện, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đề nghị điều chỉnh bổ sung các quy định như thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND huyện xem, có ý kiến thống nhất trước khi gửi thanh tra tỉnh tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của tỉnh để phù hợp với vị trí, chức năng của thanh tra huyện tại khoản 1 Điều 30 của dự thảo luật.

Góp ý về một số vấn đề cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu Hoàng Ngọc Đinh (đoàn Hà Giang) đề nghị bổ sung Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với chức danh Chánh Thanh tra sau khi có sự thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh và bổ sung thực hiện đối với cả chức danh Phó Chánh Thanh tra để bảo đảm đầy đủ và tổ chức của Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra. Phó Chánh Thanh tra thuộc sự quản lý của UBND huyện.

Không nhất thiết Cục, Tổng cục nào cũng cần có thanh tra
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình)

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) nhận định, Dự thảo luật đã xử lý được những vướng mắc, khó khăn đối với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Theo đại biểu, riêng trong lĩnh vực thuế và hải quan nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách Nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Hiệu quả của thanh tra Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi.

Tránh “tuỳ nghi” thành lập thanh tra Sở

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng đồng tình phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra Sở ở các Sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao, tuy nhiên cần cân nhắc về các trường hợp được thành lập. Tuy nhiên, bà lưu ý “nên chăng cần quy định ngay trong luật tiêu chí, điều kiện thành lập để thống nhất chung toàn quốc, tránh dẫn đến tuỳ nghi, mỗi địa phương có mô hình khác nhau”.

Cơ quan tiếp thu, giải trình dự án luật cho biết, để đáp ứng yêu cầu quản lý thì một số cơ quan thuộc Chính phủ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và cơ quan khác của Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Do đó, dự thảo Luật chỉ quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng dự thảo chưa đề cập cụ thể các trường hợp nêu trên và cũng chưa làm rõ với cơ quan có tổ chức ngành dọc thì việc thành lập cơ quan thanh tra có cả ở địa phương hay chỉ ở Trung ương.

 

Lượt xem: 37
Tác giả: Hạnh Nguyên
Tin liên quan