Huyện Thanh Trì làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Những năm qua, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã làm tốt công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di sản đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của người dân.
Huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích. Những năm qua, huyện đã làm tốt công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di sản đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của người dân.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì, trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích, bao gồm: 52 chùa, 49 đình, 13 đền, 2 văn chỉ, 6 miếu, 1 điện thờ, 1 lăng mộ và 22 từ đường, nhà thờ các dòng họ; 2 làng khoa bảng.
Trong số đó, 64 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 23 di tích xếp hạng cấp thành phố. Đặc biệt, trên địa bàn có một số di tích thờ các danh nhân của đất nước như: Tiên triết Chu Văn An, danh nhân Nguyễn Như Đổ, Ngô Thì Nhậm…
Chùa Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) |
Trong những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích luôn được huyện quan tâm đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các phòng: Tài chính Kế hoạch, Quản lý Đô thị đã tham mưu UBND huyện hoàn thiện hồ sơ tu bổ di tích, đồng thời phê duyệt giao UBND các xã triển khai thi công các dự án tu bổ gồm: Đình Đông Phù (xã Đông Mỹ); Chùa Trắng (xã Hữu Hòa); Đình Phú Diễn, đình Hữu Thanh Oai (xã Hữu Hòa); Chùa Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) với tổng kinh phí đầu tư 67 tỷ đồng; Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 20 tỷ đồng, số còn lại là huy động xã hội hóa.
Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện quy trình xin thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với 6 di tích trên địa bàn huyện, bao gồm: Chùa Yên Ngưu (xã Tam Hiệp), đình Đại Lan (xã Duyên Hà), chùa Nguyệt Áng (xã Đại Áng), đình Yên Mỹ (xã Yên Mỹ).
Trên cơ sở thẩm định của các cấp, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sẽ hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo về tu bổ di tích.
Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc, xã Tân Triều |
Gắn với di tích là lễ hội. Trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 46 lễ hội. Để các lễ hội được tổ chức đúng quy định, hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu UBND huyện Thanh Trì ban hành kế hoạch, quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện và UBND các xã, thị trấn duy trì công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh. Nội dung tuyên truyền: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn di tích, nơi thờ tự, lễ hội truyền thống.
Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Huyện cũng xác định không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh; Không có lễ hội với nội dung phản cảm, kích động bạo lực gây bức xúc dư luận xã hội.
Trước khi các lễ hội được diễn ra, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là nơi có tổ chức lễ hội làm tốt công tác chuẩn bị: Bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông, niêm yết giá, bán đúng giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thu gom rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ…
Cùng với đó, phòng chỉ đạo Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích.
Nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã có nhiều lễ hội được tổ chức, như: Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, (mùng 4 tháng Giêng); Lễ hội thôn Đại Lan, xã Duyên Hà (mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội xã Vạn Phúc (mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội làng Triều Khúc, làng Yên Xá, xã Tân Triều (mùng 9 tháng Giêng); Lễ hội truyền thống đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu, xã Tả Thanh Oai (14, 15 tháng Giêng); Lễ hội truyền thống xã Hữu Hòa (14, 15 tháng Giêng)… Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, trang trọng, an toàn, tiết kiệm.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cho hôm nay và mai sau đồng thời làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của Nhân dân trên địa bàn cũng như du khách gần xa.