Hộ kinh doanh khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, việc tiếp cận các nguồn lực của hộ kinh doanh là rất khó khăn. Đa số các hộ kinh doanh phải vay vốn thông qua tài sản đảm bảo cá nhân, còn phương án và mô hình kinh doanh không được đánh giá cao, không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi vay vốn...
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam hiện nay có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với hơn 9 triệu lao động, chiếm tới 16,5% tổng số lao động của cả nước, đóng góp gần 30% GDP của Việt Nam. Đây cũng là một trong những đối tượng hưởng lợi từ Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Các chuyên gia cho rằng đây sẽ là một đòn bảy giúp hộ kinh doanh khôi phục, phát triển. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của hộ kinh doanh vẫn đang là vấn đề khi triển khai bởi hộ kinh doanh chưa có quy định cụ thể để được hỗ trợ như doanh nghiệp, hợp tác xã hay người lao động bị ảnh hưởng.
Trong Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm về “Hộ kinh doanh” không được nêu rõ, tuy nhiên theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là hộ kinh doanh do chính một cá nhân, một hộ gia đình hoặc một nhóm người làm chủ, hoạt động của hộ kinh doanh chủ yếu về lĩnh vực thương mại.
Với bản chất như vậy, đã có những phân tích cho thấy, hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp vì hình thức hoạt động đơn giản, linh hoạt, nghĩa vụ thuế ở mức thấp, hộ kinh doanh thường chọn thuế khoán để thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, tuy nhiên đây cũng là điểm mà các cơ quan thuế chưa kiểm soát được chặt chẽ hoạt động của hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, điểm bất lợi về phạm vi hoạt động, khả năng tài chính, các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là trong giai đoạn tất cả các đơn vị làm kinh tế đều gặp khó khăn. Các chuyên gia pháp chế cho biết, so với các nước, khung chính sách của Việt Nam cũng khá tương đồng. Tuy nhiên sự khác biệt ở khung pháp lý hỗ trợ hộ kinh doanh, chính sách hỗ trợ của Việt Nam đối tượng là DNNVV, hộ kinh doanh không phải chủ thể chính nên chưa có chính sách hỗ trợ trong trung và dài hạn.
Trên thực tế thời gian qua, việc tiếp cận các nguồn lực của hộ kinh doanh là rất khó khăn. Đa số các hộ kinh doanh phải vay vốn thông qua tài sản đảm bảo cá nhân, còn phương án và mô hình kinh doanh không được đánh giá cao, không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi vay vốn. Còn trong giai đoạn hiện nay, khu vực kinh tế hộ kinh doanh càng khó khăn hơn về dòng tiền, về nhân lực, khách hàng bị gián đoạn, chi phí tăng lên rất nhanh do chi phí vận tải, giá xăng, giá điện tăng cao.
Chuyên gia kiến nghị những gói hỗ trợ cần thiết kế và thực hiện hết sức tập trung. Những vướng mắc cả cơ chế trong thời gian vừa qua phải tháo gỡ ngay, không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi lao động, đứt gãy nguyên vật liệu. “Tôi cho rằng đây là một thách thức vô cùng lớn đối với doanh nghiệp, đối với hộ kinh doanh”, ông Lực cho hay.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng, bên cạnh hỗ trợ về tài chính, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa các điều kiện về thủ tục cho các hộ kinh doanh để họ được hưởng các chính sách hỗ trợ đã hoặc sắp ban hành trong thời gian tới. “Có thể vẫn phải tìm cơ hội để coi họ là những chủ thể có đặc thù riêng và đưa ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể riêng. Mỗi một loại hình doanh nghiệp có những đặc thù riêng, nếu gộp chung lại chắc chắn là chỉ những doanh nghiệp đăng ký chính thức mới có thể được hưởng hỗ trợ”, ông Việt cho biết.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, gói hỗ trợ phải dành quan tâm đến chính sách hướng vào khả năng tiếp cận nguồn vốn của DNNVV, những hộ kinh doanh để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn. Đây sẽ là cơ hội cho những cơ sở kinh doanh nhỏ có thể hoạt động trở lại. Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần phải tính đến phương thức quản lý mới, đó là chính thức hóa hoạt động các DNNVV, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Từ đó đưa ra dữ liệu theo dõi, thống kê, quản lý, giúp các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này rõ ràng và hiệu quả hơn.
Hương Quỳnh