Hành trình xây dựng nông thôn mới từ nội lực cộng đồng và sức bật HTX

Gần ba năm sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Lay Nưa (nay là xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) đã và đang hiện rõ một diện mạo nông thôn khởi sắc, trù phú.

Dưới những nếp nhà sàn bình yên bên sườn núi là hành trình bền bỉ của một cộng đồng từng chật vật sau tái định cư thủy điện Sơn La, nay đang tự tin bước vào giai đoạn phát triển chiều sâu với vai trò nổi bật của các HTX trong tổ chức sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đổi thay từng ngày

Trở lại Lay Nưa những ngày hè 2025, dọc theo con đường nội bản trải bê tông thẳng tắp, những thửa ruộng xanh mướt khoai tây, những mô hình trồng cây dược liệu, chăn nuôi gà H’Mông… là minh chứng sinh động cho một vùng quê từng đối mặt với muôn vàn khó khăn khi phải tái định cư, nay đã thay da đổi thịt.

Ông Khoàng Văn Tiện, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lay Nưa (2009–2019), nhớ lại: “Năm 2011, xã mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí nông thôn mới. Người dân sống phân tán, thiếu đất sản xuất, thu nhập bình quân đầu người chỉ vỏn vẹn 13 triệu đồng/năm. Bài toán việc làm, sinh kế sau di dân tái định cư gần như không có lời giải rõ ràng lúc bấy giờ”.

-3013-1751873907.jpg

Diện mạo nông thôn mới xã Lay Nưa (nay thuộc xã Mường Lay mới) ngày càng khởi sắc.

Thế nhưng, bằng sự đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền và người dân, Lay Nưa đã biến khó khăn thành động lực. Sau hơn 14 năm dồn sức, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và tiếp tục trở thành xã đầu tiên của tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Trong tiến trình này, các hợp tác xã chính là "xương sống" của tổ chức sản xuất. Nổi bật nhất là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lay Nưa, được thành lập với sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, hiện đang liên kết với hơn 80 hộ dân tại các bản Ho Cang, Ho Luông 1, Ho Luông 3 để phát triển mô hình trồng khoai tây vụ đông.

Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2024–2025, hơn 2ha khoai tây của HTX và các hộ thành viên đã cho thu hoạch hơn 15 tấn củ, mang về gần 300 triệu đồng.

Ông Mào Văn Chỉu, trưởng bản Ho Luông 1, cho biết: “Mô hình được hỗ trợ giống, phân bón ngay từ vụ đầu tiên. Đến vụ sau, dù không còn hỗ trợ, bà con vẫn chủ động đầu tư mở rộng diện tích. Người dân bắt đầu quen với canh tác hàng hóa”.

Hiệu quả đầu tư gắn với phát triển bền vững

Không chỉ dừng lại ở cây khoai tây, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lay Nưa còn tổ chức liên kết trồng quế, cây dược liệu dưới tán rừng và chăn nuôi gà H’Mông theo hướng bán tự nhiên.

Những mô hình của HTX không chỉ tận dụng được đất đai và lao động tại chỗ mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng, có đầu ra ổn định qua các kênh tiêu thụ do HTX đảm nhiệm.

Đáng chú ý, từ năm 2023 đến nay, các HTX trên địa bàn xã được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên hỗ trợ máy móc sơ chế nông sản, đào tạo kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, cũng như kết nối với các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm.

Những chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên là bước chuyển quan trọng giúp HTX Lay Nưa nói riêng và nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung dần hình thành vùng sản xuất có liên kết, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp, những công trình hạ tầng thiết yếu được triển khai cũng đã góp phần nâng tầm chất lượng sống ở nông thôn. Giai đoạn 2023–2025, hơn 17 tỷ đồng từ chương trình nông thôn mới đã được đầu tư vào Lay Nưa.

Tiêu biểu như hơn 4km đường nội đồng và nội bản được làm mới, 2 công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng phục vụ các bản vùng thấp và vùng cao, cầu đường Ló – Lé hoàn thiện, mở lối giao thương thuận lợi giữa các thôn bản, 58 ngôi nhà mới cho hộ nghèo tại các bản vùng cao đã được hoàn thiện…

-4207-1751873907.jpg

Thành công trong nông thôn mới ở Lay Nưa có dấu ấn đậm nét của các HTX.

Các chương trình hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh đều được xã lồng ghép hiệu quả. Không chỉ tiếp cận nguồn vốn, xã còn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng hành và chủ động trong mọi hoạt động xây dựng nông thôn mới. Mỗi công trình, mỗi mô hình sản xuất đều có dấu ấn rõ rệt từ cộng đồng.

Thực tế cho thấy, người dân Lay Nưa đã hiến trên 70 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để làm đường lên nương, mở đường nội bản. Từ đó, diện tích canh tác được mở rộng, giao thông thuận lợi, hàng hóa dễ dàng đưa ra thị trường.

Giảm nghèo, tăng thu nhập

Một trong những thách thức lớn nhất với Lay Nưa trong quá trình xây dựng nông thôn mới suốt những năm qua là xóa nghèo và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên, với cách làm kiên trì, lấy HTX làm trung tâm liên kết sản xuất và đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm rõ rệt từ 12,06% (năm 2023) xuống còn 8,4% (năm 2024).

Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã đạt gần 40 triệu đồng, cao gấp ba lần so với năm 2011. Nhiều hộ gia đình tại các bản vùng cao như Hô Nậm Cản, Nậm Lé, Ho Luông 3 đã thoát nghèo nhờ các mô hình trồng cây dược liệu và chăn nuôi gà bản địa.

Trước khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, xã Lay Nưa đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nâng cao theo chiều sâu, đặc biệt tập trung vào tiêu chí môi trường, văn hóa và tổ chức sản xuất. Trong đó, xã định hướng xây dựng các bản kiểu mẫu, gắn kết sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, xã kiến nghị tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Điện Biên trong đào tạo cán bộ quản lý HTX, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất.

Từ một xã nghèo, thiếu đất sản xuất sau tái định cư, Lay Nưa hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới – một vùng nông thôn phát triển bền vững, năng động và tràn đầy hy vọng. Thành quả ấy là sự hội tụ của quyết tâm chính trị, đồng thuận xã hội và đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các hợp tác xã – những “đòn bẩy” quan trọng của tiến trình nông thôn mới.

Lay Nưa (nay thuộc xã Mường Lay (mới) đang đi đúng hướng, và nếu tiếp tục được tiếp sức kịp thời từ các chương trình hỗ trợ, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và cộng đồng, vùng đất này hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu nông thôn mới kiểu mẫu của vùng Tây Bắc trong tương lai gần.

An Chi

Lượt xem: 3