Đứng trước cơ hội lịch sử, giải pháp nào để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững?
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để bứt phá, giống như Nhật Bản sau Thế chiến, Hàn Quốc trong thập niên công nghiệp hóa hay Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, tích hợp nhiều trụ cột, cùng hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Quang cảnh Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.
Thông tin được các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chủ trì phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều ngày 8/7.
Thách thức và cơ hội lịch sử
Chỉ ra những thách thức, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh, rất phức tạp và khó lường. Điều này dẫn đến những thách thức từ sự bất định khi các cú sốc và biến động địa chính trị, địa kinh tế ngày càng thường xuyên, đa chiều hơn; khoa học công nghệ đang thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế và định hình lại chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu; tác động của phân tách, phân mảnh kinh tế.
Bên cạnh đó, sự suy giảm niềm tin bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược đang hạn chế vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương; sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc; xuất hiện nhiều yếu tố kìm hãm xu hướng phát triển bền vững và bao trùm; các thách thức an ninh phi truyền thống.
"Với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói thêm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự vững chắc; chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu chưa có nhiều thay đổi đáng kể; hiệu quả, năng lực tự chủ, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tốc độ tăng GDP có xu hướng chậm lại và dưới mức tiềm năng; năng lực xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp, giá trị gia tăng từ xuất khẩu chưa cao.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tuy đã được thu hẹp nhưng vẫn còn cách khá xa, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện và còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt.
Mặt khác, các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, vật liệu mới... chưa hình thành rõ nét và chưa đóng vai trò dẫn dắt. Các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư thì hiệu quả còn thấp; đầu tư tư nhân tăng chậm, đầu tư công chưa phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước.
TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 6 thách thức chính mà Việt Nam đang phải đối mặt gồm: Năng lực cạnh tranh còn thấp, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tính dễ tổn thương của nền kinh tế ngày càng lớn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp; chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu; dân số bắt đầu già hóa nhanh; bất bình đẳng về thu nhập và tài sản gia tăng.
Cho rằng thách thức là không tránh khỏi, tuy nhiên, các nhà chuyên gia cũng khẳng định đây là cơ hội lịch sử, là thời điểm có tính quyết định để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhờ vào 3 yếu tố: Xu hướng toàn cầu và thành quả 40 năm đổi mới (Thiên thời) - Lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế (Địa lợi) - Dân số còn đang trong thời kỳ vàng và là động lực phát triển (Nhân hòa).
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Giảng viên chuyên gia, trường đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội; Nguyên Tham tán thương mại tại Pháp và Anh, Tham tán công sứ tại Bỉ - EU thì cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển, trong bối cảnh toàn cầu hóa chững lại, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và chuyển đổi số lan rộng sâu sắc. Bối cảnh đó đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội chiến lược mà nếu tận dụng hiệu quả, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa theo hướng xanh, sáng tạo và bao trùm.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng nhận định, đây là thời điểm có tính quyết định của Việt Nam trong chuyển đổi phương thức phát triển với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Việt Nam cần hành động và Việt Nam có nền tảng để làm điều đó.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững
Trước thách thức và cơ hội đó, muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời, phải hành động quyết liệt, thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Để hóa giải khó khăn thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Cùng với đó, cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để “dẫn dắt”, là “vốn mồi” để huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Ngoài ra, tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sô bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới như các khu Thương mại tự do, Trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.
Mặt khác, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, nội lực phải được đặt ở vị trí quyết định; ngoại lực là nguồn lực bổ sung, hỗ trợ quá trình phát triển, bảo đảm hội nhập toàn diện, sâu rộng mà vẫn giữ vững độc lập tự chủ, nâng cao năng lực tự cường và khả năng thích ứng trước mọi biến động toàn cầu.
TS. Võ Trí Thành thì đưa ra 4 nhóm cải cách có tính nền tảng và đột phá hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững, bao gồm: cải cách về thể chế; hoàn thiện khung khổ pháp lý; đẩy nhanh cải cách cơ cấu, thực hiện phù hợp với các xu hướng phát triển mới; và phát triển nguồn nhân lực.
"Khát vọng lớn lao. Thế giới chuyển đổi mạnh mẽ. Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình, cách thức phát triển. Chìa khóa chính là việc hiện thực hóa lợi thế đất nước, tiềm năng con người Việt Nam và cải cách thể chế trong một nền kinh tế chuyển đổi ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới", TS. Võ Trí Thành phát biểu.
Khẳng định việc nâng cao chất lượng tăng trưởng không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là con đường duy nhất để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong những thập niên tới, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế như: Đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Ở góc độ của hoạt động xuất khẩu, PGS.TS . Đào Ngọc Tiến, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu nhanh và bền vững, Việt Nam cần triển khai một chiến lược toàn diện, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường liên kết nội địa - FDI và hoàn thiện thể chế. Trong đó, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là rất quan trọng để đảm bảo sự bền vững của xuất khẩu.
PGS.TS . Đào Ngọc Tiến chỉ ra, việc cho phép các doanh nghiệp trong nước vượt ra ngoài việc gia công đơn thuần để trở thành nhà cung cấp tích hợp, giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ giúp Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng cường nắm bắt giá trị trong nước và thúc đẩy một nền tảng công nghiệp mạnh mẽ và tự duy trì hơn. Do vậy, cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước xây dựng thương hiệu mạnh về công nghiệp và liên kết với nhau; Nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa chi phí, tăng cường R&D để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Có chiến lược hợp lý trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA và tránh bị cáo buộc gian lận thương mại.