Hành động quyết tâm để gói hỗ trợ lãi suất 2% phát huy hiệu quả

Sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Nghị định 31 và Thông tư 03 về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để phục hồi và tăng trưởng, đến nay ngành Ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai thực hiện, gắn với những hành động và việc làm cụ thể.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp, khách hàng được hỗ trợ chưa nhiều song bước đầu đã xuất hiện những điểm sáng cần phát huy và trở thành mô hình điểm để các tổ chức tín dụng (TCTD) học tập và làm theo, góp phần cùng toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Điểm sáng đó gắn liền với những kết quả bước đầu quan trọng sau:

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt. Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ được thực hiện thông qua hoạt động tín dụng của các TCTD, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh – đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Thông tư 03 trước hết phải đảm bảo đủ điều kiện vay vốn, được các TCTD chấp thuận cho vay. Với các quy định cụ thể về lĩnh vực ngành nghề được hỗ trợ; phương thức hỗ trợ; thời gian hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; thủ tục thanh toán tiền lãi…, tất cả các quy định đó đã được các TCTD xây dựng quy trình, văn bản hướng dẫn nội bộ, xây dựng phần mềm quản lý; tổ chức triển khai thực hiện, tập huấn trong toàn hệ thống, mỗi cán bộ nhân viên thuộc bộ phận tín dụng tại các Chi nhánh, phòng giao dịch đã được tập huấn nghiệp vụ, nắm bắt quy định để thực hiện cũng như thông tin tư vấn cho khách hàng.\Ở góc độ nghiệp vụ, tất cả các TCTD cơ bản đã thực hiện xong công tác này, từ hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng đến nghiệp vụ kế toán và công tác tập huấn, sử dụng phần mềm; công tác báo cáo thống kê...

Thứ hai, tổ chức thực hiện công tác thông tin truyền thông; tư vấn khách hàng để tiếp cận chính sách. Hoạt động này về cơ bản các TCTD đã và đang thực hiện, với những hình thức khác nhau. Song hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tổ chức hoạt động này bài bản, ấn tượng và trở thành điểm sáng cần phát huy, lan tỏa và học tập. Ngoài việc đăng tải trên trang Web của ngân hàng, Agribank còn in thông tin gói hỗ trợ này với hình thức đẹp và ấn tượng, thống nhất nội dung và hình thức trong toàn hệ thống và được đặt tại các quầy giao dịch để tiện cho khách hàng đọc và nắm bắt thông tin, từ đó tìm hiểu và tham vấn thông tin từ cán bộ tín dụng, hoặc bộ phận chăm sóc khách hàng. Đây không phải là điểm mới trong việc giới thiệu sản phẩm dịch vụ ngân hàng song là điểm sáng đối với việc giới thiệu gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân doanh nghiệp. Rất cần phát huy, học tập và làm theo. Chi tiết nhỏ này không chỉ để làm truyền thông, thông tin tuyên truyền mà còn thể hiện trách nhiệm của Ngân hàng trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với Chính phủ, NHTW và người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, đã có nhiều hành động cụ thể để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Theo đó, tất cả các TCTD đã và đang xác định dư nợ, phân loại dư nợ theo nhóm ngành lĩnh vực được hỗ trợ theo quy định của Thông tư 03 và phân loại ngành lĩnh vực theo Quyết định 27 của Chính phủ. Danh sách doanh nghiệp hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc 11 nhóm ngành hỗ trợ được lọc ra, trên cơ sở đó rà soát, kiểm tra, đối chiếu so với quy định và điều kiện, đối tượng để thực hiện hỗ trợ. Mặc dù số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chưa nhiều, song cách làm này đã và đang cụ thể hóa chủ trương chính sách và các quy định để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận thuận lợi chính sách. Cách làm bước đầu này có ý nghĩa, tiền đề rất quan trọng đối với toàn bộ quá trình thực thi và triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất  trong 2 năm 2022 và 2023.

Thứ tư, nhận thức trách nhiệm thực thi. Qua khảo sát các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cơ bản các TCTD nhận thức đầy đủ trách nhiệm thực thi chính sách này của Chính phủ của NHTW, cùng với giá trị mang lại cho doanh nghiệp và cho chính các TCTD. Trách nhiệm đó là đưa cơ chế chính sách của Chính phủ đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả; thực thi hiệu quả, công khai minh bạch và đúng quy định; gắn với trách nhiệm bảo toàn và phát huy hiệu quả tín dụng, hiệu quả công cụ tài chính của Chính phủ cho mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh phát sinh nhiều thách thức tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô; phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tính ổn định và bền vững trong phát triển do những biến động khó lường từ tình hình kinh tế, địa chính trị trên thế giới.

Lượt xem: 37
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật