Hành động quyết liệt, sắt son một lòng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại

Ngày 17/3/1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập. Trong suốt chặng đường 93 năm phát triển, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, toàn diện và hiệu quả; Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; Nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành. Đây chính là cơ sở, là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, đưa Thủ đô ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân

Cách đây 93 năm, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập. Từ đó đến nay, cùng trong hành trình vĩ đại của Đảng, Đảng bộ Thủ đô đã khẳng định vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hành động quyết liệt, sắt son một lòng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại
Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 1971-1974 (Ảnh: TTXVN)

Trong suốt chặng đường phát triển, công tác tuyên giáo, chính trị, tư tưởng giữ vị trí quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tại Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố (tháng 10/1986) đã đề ra phương châm hành động của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Tháng 4/1991, Đại hội lần thứ XI Đảng bộ thành phố xác định, phải đổi mới nội dung và phương pháp công tác tư tưởng, tăng cường giáo dục chính trị, bảo đảm thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, không dao động, mơ hồ. Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đến nay, công tác chính trị, tư tưởng được gắn với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, công tác chính trị, tư tưởng luôn được đổi mới, nâng cao chất lượng gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng bằng nhiều giải pháp cụ thể, sâu sát, khoa học, phù hợp với đặc điểm, tình hình Thủ đô.

Thực tiễn tình hình tư tưởng đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với công tác tuyên giáo. Trong đó, thách thức là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Ngoài ra, các thế lực cơ hội, thù địch, phản động phối hợp chặt chẽ để xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống 93 năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đồng thời, nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; Chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đảng bộ thành phố tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố và giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng; Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng; Ðổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống, công tác tuyên truyền, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động...

Thời gian tới, Đảng bộ thành phố tiếp tục thực hiện tốt phương châm trong công tác tuyên giáo là “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo sự đồng thuận để ý Đảng lòng dân là một, là sự thống nhất về chính trị - tư tưởng, khích lệ, động viên Nhân dân tích cực góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát

Xuất phát từ quan điểm chung của Đảng và Bác Hồ, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn coi trọng việc giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và xác định, muốn lãnh đạo tốt thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) đến nay, cấp ủy các cấp Đảng bộ thành phố đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng. Nhìn chung, hoạt động kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ thành phố có bước chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng sâu sát thực tiễn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua huyện Thường Tín
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua huyện Thường Tín

Trong năm 2022, Thành ủy và các cấp ủy đã kiểm tra đối với 1.590 tổ chức Đảng, 599 đảng viên; Giám sát đối với 949 tổ chức Đảng và 575 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy đã kiểm tra 344 đảng viên và 145 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; Kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 487 tổ chức Đảng cấp dưới; Giám sát chuyên đề đối với 888 tổ chức Đảng và 22 đảng viên...

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng (trong đó, khiển trách 19, cảnh cáo 3); Thi hành kỷ luật 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra định kỳ, thường xuyên, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố còn hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được Ủy ban Kiểm tra Trung ương giao về việc xác minh các nội dung liên quan đến các đại án vừa qua.

Đối với ngành Kiểm tra Đảng thành phố, nét mới nổi bật nhiệm kỳ này là tính chủ động. Nhiều vụ việc cơ quan kiểm tra đã “đi trước, mở đường”, không chờ kết quả của công tác điều tra, thanh tra. Các cuộc kiểm tra, giám sát đã lựa chọn nội dung, đối tượng theo hướng giám sát mở rộng và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Khi thực hiện bảo đảm bài bản, khoa học với phương châm “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, “công minh, chính xác, kịp thời”.

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tổ chức giao ban với bí thư cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy của 7 quận, huyện có dự án đi qua.

Trên thực tế, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiệp vụ tham gia ngay từ đầu quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng ở các địa phương.

Sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy 7 quận, huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện đúng yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đó là phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để xảy ra sai sót đáng tiếc. Nếu để xảy ra sai sót mà cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy không tự phát hiện ra thì người đứng đầu cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy phải chịu trách nhiệm.

Năm 2023, Thành ủy, các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của trung ương và thành phố, các kế hoạch kiểm tra, giám sát đã đề ra, qua đó bảo đảm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của tổ chức Đảng. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Đổi mới mạnh mẽ công tác vận động quần chúng

Ngay sau khi Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập, bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất: “Trong các đảng bộ thượng cấp (từ thành ủy và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động”, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế của Trung ương và các tỉnh, thành ủy, trong đó có Đảng bộ thành phố Hà Nội, đã được hình thành. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc...

Hành động quyết liệt, sắt son một lòng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại
Thi đua phát triển sản xuất, đưa Thủ đô ngày càng phát triển mạnh mẽ

Sau hơn 35 năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính. Cùng với tiến trình đó, công tác Dân vận của Đảng bộ thành phố từng bước được đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Trong năm 2022, cùng với việc tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2387-QĐ/TU, ngày 24/1/2022 về Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị thành phố; Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1/10/2021 về “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân vận của cơ quan nhà nước”, hệ thống dân vận đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Toàn thành phố đã đăng ký 9.608 mô hình “Dân vận khéo” các cấp. Thông qua thực hiện phong trào, nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết. Bám sát thực tiễn, 4.753 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố cũng thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Hệ thống dân vận toàn thành phố còn phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Quán triệt triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thành phố Hà Nội tập trung triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với tổng diện tích đất phải thu hồi lên tới 798,01ha, 16.633 hộ dân có đất thu hồi và di dời 11.687 ngôi mộ trong năm 2023, hệ thống dân vận đã nhanh chóng vào cuộc vận động, tuyên truyền Nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Đến nay, công tác thu hồi đất được các địa phương triển khai bài bản, khoa học và nhận được sự nhất trí cao trong Nhân dân.

Yêu cầu phát triển Thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi công tác Dân vận của thành phố cần không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện. Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Nhân dân, hệ thống dân vận Thủ đô tiếp tục triển khai công tác vận động quần chúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” và nắm chắc bài học: “Tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.

Thời gian tới, cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1/10/2021 của Thành ủy, hệ thống dân vận thành phố sẽ đẩy mạnh động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động… Các mô hình “Dân vận khéo” sẽ được triển khai gắn với đời sống, trong thực hiện những việc khó cần vai trò của công tác dân vận, qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Có thể nói, trong chặng đường lịch sử trải dài thành lập và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân TP Hà Nội đã luôn cùng nhau sát cánh, bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển Thủ đô toàn diện, mạnh mẽ, ngày càng giàu đẹp.

Lượt xem: 5
Tác giả: Trí Nhân
Tin liên quan