Hàng quán mất khách quen vì tiktoker, reviewer
Lượng khách tăng lên bất ngờ, không gian quen thuộc trở nên ồn ào và mất đi sự riêng tư hay chất lượng dịch vụ đi xuống là một trong những lý do khiến nhiều hàng quán “ẩn mình” mất đi những khách quen vì sự xuất hiện của các TikToker, reviewer...
Cơn sốt của những hàng quán “trong ngõ”
Khi những quán ăn trong các con ngõ nhỏ chỉ có vài ba nhân viên bất ngờ quá tải khách vì clip review trên TikTok, YouTube, những khách quen như Thùy Trang (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu cảm thấy khó chịu vì phải chờ cả tiếng mới có bàn.
Biết đến quán bán món đồ Nhật trong ngõ Tạm Thương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ thời còn là sinh viên, sau khi ra trường, dù không còn ghé quán thường xuyên như trước nhưng hầu như tháng nào Trang và nhóm bạn đại học cũng có hẹn ở đây.
Tuy nhiên, giữa tuần trước, khi rủ một vài đồng nghiệp thân thiết đến đây thử món mỳ Udon "vừa ngon, vừa rẻ", Trang bất ngờ trước cảnh tượng đông đúc chưa từng thấy của tiệm ăn này.
"Chúng mình tới lúc 18h nhưng quán gần như đã kín chỗ dù cho hôm đó còn không phải ngày cuối tuần. Khoảng 15 phút sau, chủ quán phải từ chối nhận thêm khách vì không còn chỗ để mọi người ngồi chờ", Trang nói.
Thùy Trang bất ngờ vì nhiều quán quen bỗng trở nên đông đúc |
Sau khi có bàn, nhóm của Trang phải đợi thêm 15 phút nữa mới có nhân viên đến nhận order, sau đó lại tiếp tục chờ thêm 30 phút nữa mới có thức ăn.
"Không chỉ những khách hàng như mình bị bất ngờ mà dường như cả chủ lẫn nhân viên quán cũng rơi vào cảnh trở tay không kịp. Một nhân viên giải thích quán đông vì thời gian gần đây được một số TikToker review và hy vọng chúng tôi thông cảm vì sự bất tiện này", Thùy Trang chia sẻ.
Tại Việt Nam, người trẻ đang thường đi ăn theo các clip review trên TikTok. Đây có thể là hình thức tiếp thị của các nhà hàng, quán cà phê. Trong khi đó, một số nơi cũng vô tình được các TikToker lựa chọn giới thiệu. Các quán nhận được đánh giá tích cực thường được mô tả là "chưa được nhiều người biết đến", sâu trong ngõ hay “ẩn mình”…
Mặc dù video giới thiệu trên TikTok đang là trào lưu nhưng nó có thể mang lại lợi ích hoặc khiến cơ sở kinh doanh điêu đứng khi chia sẻ không đúng sự thật hoặc khiến các quán quá tải trong khi chưa thực sự được chuẩn bị để đón lượng khách đông. Vì tính chất phức tạp, khó kiểm soát của nền tảng này, nhiều chủ cơ sở ăn uống thậm chí lo lắng mỗi khi thấy thương hiệu của mình xuất hiện trong các bài đánh giá.
Từng nhiều lần đặt niềm tin vào các clip review hàng quán trên TikTok, Hải Tú (sinh viên năm cuối) cũng có không ít trải nghiệm dở khóc dở cười với các quán cà phê "ẩn mình".
Hải Tú cho rằng cà phê ẩn mình phải là những nơi tương đối bí mật, riêng tư và chỉ được tiết lộ cho một nhóm nhỏ khách hàng. Tuy nhiên, khi đã được TikToker "để ý", các địa điểm này đều thành nơi đông đúc, ồn ào.
Sự xuất hiện của các reviewer, tiktoker khiến nhiều hàng quán "ẩn mình" trở nên đông đúc |
"Mình từng đến một quán ở quận Hai Bà Trưng được giới thiệu là “nơi trú ẩn cho hệ hướng nội”, nhưng thực chất khách rất đông và đứng chụp hình khá lộn xộn, không có nhiều góc riêng tư", Hải Tú nói.
Một lần khác, cô gái trẻ và nhóm bạn thử ghé vào quán đồ Thái trong một con ngõ ở quận Đống Đa, Hà Nội) vì nơi này được giới thiệu "ngon, rẻ và phục vụ nhanh". Nhưng thực tế, nhóm của Tú đã phải chờ gần một tiếng mới có bàn và mất hơn 30 phút để đợi đồ ăn.
"Dòng người xếp hàng đứng tràn sang cả các quán bên cạnh. Mình đoán đa số đều đến theo clip review hoặc có thể mất công đi từ xa như chúng mình nên cũng phải chấp nhận đứng đợi", Hải Tú chia sẻ.
Khách quen thất vọng
Tiệm mì vằn thắn trên phố Hàng Chiếu là quán ruột của Đức Minh (27 tuổi) và đồng nghiệp suốt nhiều năm nay khi cơ quan của anh chỉ cách đó có vài bước chân Những lúc tan làm muộn, chàng trai trẻ thường rủ mọi người đi ăn đêm trước khi về nhà. Vì là khách quen, mỗi khi đến, Minh đều được chủ quán dành sẵn cho một bàn.
Tuy nhiên, tháng trước, khi quán xuất hiện trên một clip TikTok, nhiều người kéo đến khiến các bàn lúc nào cũng kín chỗ, khách ra vào tấp nập kể cả khung giờ bình thường. Từ tuần nào cũng ghé 2-3 lần, giờ đây Minh và đồng nghiệp chỉ quay lại khi chắc chắn còn bàn hoặc thực sự thèm ăn món này.
Dù hơi khó chịu nhưng Đức Minh cũng thông cảm vì tâm lý tìm chỗ ăn ngon, mới lạ là xu hướng hiện tại |
"Hơi khó chịu một chút nhưng mình cũng thông cảm vì đây là tâm lý bình thường, ai cũng muốn được thưởng thức chỗ ăn ngon, mới lạ chứ không riêng gì mình. Lâu lâu mình cũng đi thử các cửa hàng được đề xuất trên mạng với bạn bè. Tuy nhiên, trải nghiệm có lúc tốt, lúc không. Phần lớn là do quán đông bất ngờ, chất lượng không được đảm bảo", Trúc chia sẻ.
Vốn yêu thích các địa điểm ít người, Minh luôn có sẵn một danh sách những nơi ăn uống "ngon, bổ, rẻ" và ít người biết. Ngoài nhà hàng, quán ăn, nam nhân viên văn phòng cũng nhiều lần tiếc nuối "quay xe" khi tiệm cà phê mình thường ngồi làm việc trở nên ồn ào sau khi phổ biến.
"Không hẳn là bỏ quán nhưng mình hạn chế đến hơn vì cần nơi yên tĩnh để xử lý công việc. Đợi qua trao lưu, mình sẽ ghé lại sau nếu đã đỡ đông", Đức Minh chia sẻ.
Cùng chung sở thích như Đức Minh, Phương Anh (22 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường chọn một quán cà phê gần trường trên phố Đặng Văn Ngữ để học nhóm, giải quyết công việc freelance. Khi nơi này nổi lên qua các clip review của TikToker, nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh check-in, khiến không khí nhộn nhịp hơn và không còn phù hợp với nhu cầu của Phương Anh. Cô quyết định tìm chỗ ngồi mới, ít trở lại quán cũ.
Phương Anh quyết định tìm những quán ăn, quán cà phê mới khi những nơi quen thuộc bỗng trở nên đông đúc |
"Bình thường chỉ mất tầm 10 phút từ lúc order đến khi nhận món, nhưng giờ mình phải đợi lâu gấp đôi, gấp ba. Chỗ ngồi cũng là một vấn đề. Trước đây mình không cần kiểm tra trước quán còn bàn hay không ngay cả khi là cuối tuần. Nhưng từ khi khách kéo đến nườm nượp, mình phải vào trong xem qua rồi mới gọi đồ", Phương Anh nói.
Cô gái trẻ cho rằng phần lớn mọi người đến một địa điểm được review trên mạng là vì tò mò, tâm lý "chạy theo xu hướng". Vì thế, tình trạng này chỉ mang tính chất nhất thời, nếu chất lượng ổn thì quán có thêm khách mới, còn không cũng sẽ hạ nhiệt.
Phương Anh nói thêm cô cũng từng nhìn thấy nhiều cửa tiệm treo biển miễn tiếp YouTuber, TikToker, Mukbang (người phát sóng cảnh ăn uống) để tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.
"Trước đây, có một nhà hàng đồ Trung Quốc nổi trên mạng, mình cũng rủ bạn bè đi ăn thử. Dù đã đặt trước, chúng mình vẫn được nhân viên thông báo phải đợi thêm một tiếng và bốc số thứ tự lại. Đây là một trong những nơi được rất nhiều TikToker đến review", cô kể lại.