Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 902/UBND-NC về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị chữa cháy tại một hộ kinh doanh trên địa bàn xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) |
Theo đó, thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở thuộc đối tượng do UBND cấp xã quản lý. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối với đối tượng nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, cơ sở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/8/2022 của Chủ tịch UBND thành phố, Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 13/1/2023, Văn bản số 169/UBND-NC ngày 18/1/2023 của UBND thành phố, trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý về xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các công trình sai phạm trong đầu tư xây dựng, kịp thời ngăn chặn, không để phát sinh mới các công trình vi phạm.
Các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, xây dựng các mô hình bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; Khuyến cáo các cơ sở, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất... các biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy, nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ.
Các đơn vị tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người lao động, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng; Rà soát và củng cố lực lượng, phương tiện thường trực tại cơ sở, phân công ứng trực, thường trực 24/24h tại cơ sở để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…
UBND thành phố đặc biệt lưu ý, tiếp tục quyết liệt giám sát, kiểm tra, bắt buộc các cơ sở khắc phục 100% hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được phát hiện và kiến nghị trong đợt tổng kiểm tra theo kế hoạch của Bộ Công an. Hà Nội công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gây hậu quả nghiêm trọng. TP siết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke; không để cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoạt động.
UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận Long Biên chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn, phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy; Tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện các vụ cháy, kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với địa bàn, cơ sở xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn (nếu có).
Trước đó, ngày 28/3/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra vụ cháy tại cửa hàng cà phê giải khát của bà T.B.H (phố Thạch Cầu, quận Long Biên) làm 1 người chết và 1 người bị thương. Đây là cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy do UBND cấp xã quản lý.