Hà Nội: Tích cực tháo gỡ khó khăn, từng bước khơi thông mọi nguồn lực

Năm 2023, thành phố Hà Nội đặt ra 22 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Để đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần nhiều hơn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, từng bước khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

Hình thành trục mô hình “Chính quyền số - Công dân số”

Năm 2022, một năm đầy khó khăn của nền kinh tế, khi vừa phải khắc phục hậu quả sau đại dịch, biến động của giá cả, nguyên, nhiên vật liệu làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân... Năm qua, Hà Nội đã phục hồi nền kinh tế nhanh, tăng trưởng khoảng 8,89%, vượt kế hoạch đề ra; Hoàn thành cả 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.

Hà Nội: Tích cực tháo gỡ khó khăn, từng bước khơi thông mọi nguồn lực
Năm 2023, Hà Nội đặt nhiệm vụ trọng tâm quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành (Ảnh minh họa)

Năm 2023, Hà Nội đặt ra 22 tiêu chí (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa - xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

Trong đó, GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện: 10,5%; Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 6,0%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%; Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 93,5%.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực có hạn nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại về cơ cấu kinh tế lạc hậu, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường..., thành phố đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023.

Theo đó, tiếp tục thực hiện chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thành phố xác định có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm và tạo đột phá ngay từ cơ sở.

Thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến; Hình thành trục mô hình “Chính quyền số - Công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Đồng thời với việc đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển Thủ đô.

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý 191 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn; Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động; Phấn đấu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công

Một vấn đề trọng tâm được thành phố xác định năm 2023 là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Hà Nội: Tích cực tháo gỡ khó khăn, từng bước khơi thông mọi nguồn lực

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, kế hoạch đầu tư công năm 2023 toàn thành phố là 46.946 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố có 26.126 tỷ đồng, cấp huyện là 19.918,9 tỷ đồng. Cấp thành phố có 238 dự án, trong đó có 219 dự án chuyển tiếp, 19 dự án mới.

Ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và xây dựng hạ tầng gồm 515 dự án. Hiện nay, toàn thành phố có hơn 100 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, đây là vấn đề cần tập trung khắc phục để kịp thời bố trí vốn.

Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.

Thành phố cũng tiếp tục cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, coi đây là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định.

Đặc biệt, thành phố xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch; Chọn 3 - 5 cơ sở để thực hiện trong năm 2023; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng thành quận…

Cùng với đó, Hà Nội sẽ ưu tiên toàn tâm toàn lực tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, tuyến đường được xem là “Vành đai kết nối mọi vành đai”.

Với những chỉ tiêu, giải pháp rõ ràng cùng sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tin tưởng và kỳ vọng tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023 sẽ đạt những kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.

Lượt xem: 2
Tác giả: Diệu Linh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật