Giảm mạnh giao dịch tiền mặt, Kho bạc Nhà nước đang tiến gần mục tiêu “không tiền mặt” vào năm 2025

Năm 2022, thu, chi ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) lần lượt là 0,16% và 0,36%. Đây là cơ sở để KBNN hưởng tới mục tiêu “không tiền mặt” vào năm 2025.

Thông tin tại buổi họp báo về kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống KBNN, lãnh đạo KBNN cho biết Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022.

Hệ thống KBNN hướng tới mục tiêu “không tiền mặt” và năm 2023

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 là một cấu phần quan trọng của Chiến lược Tài chính đến năm 2030, có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cơ sở, “kim chỉ nam” để KBNN tiếp tục xây dựng hệ thống phát triển hiện đại, bền vững.

Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể, quan trọng được xác định đó là hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Trên cơ sở đó, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2222/QĐÐ-BTC ngày 4/11/2022 về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030...

Theo ông Lê Hùng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế, KBNN trong năm 2022 KBNN tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải cách, hiện đại hóa phương thức thu ngân sách nhà nước (NSNN). KBNN đã ban hành Quyết định 1953/QĐ-KBNN ngày 29/4/2022 phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong hệ thống KBNN đến năm 2025. Theo đó, KBNN phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch chi tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quy trình thu và hoàn trả phí lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng mã định danh khoản thu phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính, mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu NSNN của KBNN tại các ngân hàng thương mại cổ phần.

Cũng theo ông Lê Hùng Sơn, năm 2022, thu ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ còn 0,16% trên tổng số, giảm 0,17% so với năm 2021; chi ngân sách bằng tiền mặt chỉ còn 0,36% trong tổng chi và giảm 0,27% so với cùng kỳ.

“Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro quản lý tiền mặt; cùng với đó, chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách…”- ông Sơn nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, Đề án TTKDTM chính là xu thế hiện nay, góp phần cùng ngành Tài chính chuyển đổi số thành công.

“Sở dĩ đề án được triển khai thuận lợi là do nền tảng cơ sở công nghệ thông tin của KBNN hiệu quả, các cán bộ trong toàn hệ thống làm việc trách nhiệm tâm huyết... Mặc dù còn gặp một số khó khăn, thách thức trong triển khai Đề án, tuy nhiên, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hoạt động TTKDTM qua KBNN, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 như đã đề ra….”, Vụ trưởng Lê Hùng Sơn khẳng định.

Đây cùng là cơ sở quan trọng giúp hệ thống KBNN chuyển đổi số thành công với mục tiêu đến năm 2030 hình thành Kho bạc số, KBNN "3 không", bao gồm: không có khách hàng giao dịch tại trụ sở kho bạc; không có giao dịch bằng tiền mặt và không có chứng từ giấy. 

Báo cáo của KBNN cho biết, trong năm 2022, hệ thống KBNN tiếp tục duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 của KBNN; 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với KBNN 24/7, số lượng chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch.

Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Đặc biệt, DVCTT cũng thể hiện rõ nét và hiệu quả, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng, đã trở thành phương thức giao dịch chính giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách…

Với những kết quả đã đạt được, KBNN tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác cải cách hành chính năm 2022; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN trong năm 2022 đạt tỷ lệ 94,5%.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật