G7 tính ‘chặn đứng’ hầu hết mặt hàng xuất khẩu sang Nga, Moscow phản ứng gay gắt

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga sẽ có động thái đáp trả thích đáng nếu Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa sang nước này.

Bình luận trên Telegram ngày 23/4, ông Medvedev cho rằng ý tưởng về việc cấm hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa sang Nga cũng đồng nghĩa với “một lệnh cấm tương ứng với việc nhập khẩu hàng hóa từ Nga, bao gồm các loại hàng hóa nhạy cảm nhất đối với G7".

"Trong trường hợp như vậy, thỏa thuận ngũ cốc, và nhiều thứ khác mà họ cần, sẽ chấm dứt", ông Medvedev cảnh báo thêm.

Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi hãng Bloomberg mới đây trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết giới chức G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Mỹ) đang thảo luận về một lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn hàng hóa sang Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tháng tới, với mục tiêu đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành khu vực cấm gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu sang Nga.

Tuy nhiên, một vài nguồn thạo tin cho hay các mặt hàng như thực phẩm, nông sản và thuốc men gần như chắc chắn sẽ được miễn trừ khỏi mọi lệnh cấm và trừng phạt.

Lệnh cấm này nếu được thực thi sẽ đảo ngược chính sách trừng phạt hiện tại, theo đó, sẽ yêu cầu cấm xuất khẩu tất cả các mặt hàng sang Nga, trừ khi chúng được miễn trừ. Trong khi đó, theo chính sách trừng phạt hiện tại, tất cả các mặt hàng đều được cho phép xuất khẩu nếu chúng không nằm trong lệnh trừng phạt.

Theo các nhà quan sát, lệnh cấm này không thực sự khả thi bởi nó cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả quốc gia thành viên, trong khi điều này có thể gây ra tranh cãi lớn do phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Nguy cơ Nga trả đũa cũng là mối bận tâm lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt với Nga đã làm giảm gần một nửa giá trị xuất khẩu của EU và G7 sang Nga. Tuy nhiên, dòng hàng hóa trị giá 66 tỷ USD từ châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản vẫn chảy vào Nga.

Để đáp trả, Moscow đã áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu riêng và cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu mà G7 đang thảo luận có thể khiến Nga xích lại gần Trung Quốc hơn bởi khi đó phần lớn dòng chảy thương mại còn lại từ G7 sang Nga sẽ chấm dứt và nước này phải tìm kiếm các thị trường thay thế.

Xem thêm >> Giới tỷ phú Nga ngày càng giàu bất chấp 'bão' trừng phạt của phương Tây

Lượt xem: 4
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật