Đổi mới phương thức đối thoại với Nhân dân nhằm thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị
Các địa phương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP và Nhân dân; Đổi mới phương thức tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối nhiều điểm cầu trên địa bàn, được Nhân dân đồng tình, tích cực tham gia.
Sáng 19/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP Hà Nội chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đến hết năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Dự phiên họp có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Lãnh đạo một số Sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh hội nghị |
Kiểm tra QCDC tại 18 đơn vị, địa phương
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm 2022, Thành ủy, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung theo Kế hoạch số 38-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo về công tác trọng tâm năm 2022, gắn với chủ đề công tác năm của TP “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được coi trọng. Trong năm, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP đã kiểm tra 18 cơ quan, địa phương, gồm 6 Sở, 6 quận, huyện và 6 phường.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong năm qua, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì, phối hợp giám sát 4.468 cuộc; Tổ chức 653 hội nghị phản biện và 79 hội nghị góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tập trung vào các nội dung dự thảo nghị quyết của HĐND, liên quan đến dân sinh, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; Công tác giải phóng mặt bằng; Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Hỗ trợ người lao động mất việc làm...
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Thành ủy, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức hội nghị đối thoại; Đổi mới phương thức tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối nhiều điểm cầu trên địa bàn, được Nhân dân đồng tình, tích cực tham gia.
Trong năm 2022, đồng chí Bí thư Thành ủy đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với nông dân Thủ đô đến 424 điểm cầu tại 18 huyện, thị và xã, phường, thị trấn, với trên 12.000 cán bộ, hội viên nông dân tham dự. Bí thư Thành ủy cũng đối thoại với đại biểu phụ nữ Thủ đô tới 579 điểm cầu phường, xã, thị trấn của 30/30 quận, huyện, thị xã, với gần 15.000 hội viên đại diện cho 902.000 hội viên hội phụ nữ các cấp TP tham dự. Đồng chí Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động với sự tham dự của 250 đại biểu...
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tham gia 4.653 Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo |
Tạo đồng thuận trong triển khai các công trình, dự án của TP
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong năm qua, khẳng định những kết quả đó góp phần tích cực vào thành tựu chung của Thủ đô trong năm 2022.
Nhấn mạnh năm 2023, TP tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, cũng là năm giữa nhiệm kỳ 2020-2025, với tính chất như vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP liên quan đến QCDC, nhất là triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành trong năm tới; Các quy chế, quy trình, định mức liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cải tạo chung cư cũ để phục vụ công tác vận động, tạo đồng thuận trong triển khai các công trình, dự án của TP.
Song song với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP đề nghị cần quan tâm thực hiện QCDC tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng vận động Nhân dân; Chủ động phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; Thực hiện tốt Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy; Gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện những nhiệm vụ chính trị của TP trong năm 2023...
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị tập trung triển khai nhiệm vụ để Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, an lành; Chăm lo công tác đảm bảo an sinh xã hội; Đảm bảo lương, thưởng cho người lao động, tuyệt đối không để xảy ra đình công, lãn công trong dịp Tết.