Doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu

Một trong những cam kết quan trọng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) chính là quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Có nhiều điểm trong Quy tắc xuất xứ của CPTPP khác với các FTA mà Việt Nam đã ký kết...

Đây là thách thức không nhỏ với các DN Việt để được hưởng ưu đãi thuế quan khi mà nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc và nhập khẩu từ các nước khác. Do đó các DN cần có những chiến lược mới và tìm hiểu kỹ các thông tin và quy định để phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.

Nhiều điểm trong Quy tắc xuất xứ của CPTPP là thách thức không nhỏ với các DN Việt

Đầu năm 2019, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN, nhất là với các DN xuất khẩu. Theo đó với những lợi thế về hàng rào thuế quan, mở rộng thị trường thì các DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như ngành dệt may, da giày…

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), CPTPP mở ra cơ hội nhiều hơn cho xuất khẩu da giày, không chỉ giúp ngành tăng trưởng xuất khẩu mà còn thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, giúp các DN da giày trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy LEFASO dự báo năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày có thể đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018 và chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO cho biết, hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày năm 2018 đạt gần 20 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2017.

Với Hiệp định CPTPP có thể sẽ tạo được cú hích đối với xuất khẩu trong năm 2019 khi mà một số thị trường sẽ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, cơ hội cũng song hành thách thức khi mà các quy định trong CPTPP được siết chặt, trong đó quy tắc về nguồn gốc xuất xứ đang khiến nhiều DN gặp khó.

Có thể thấy, khi hiệp định được thực thi, các DN sẽ được tận dụng ưu đãi từ các mức thuế giảm nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe là nguyên tắc xuất xứ. Theo các chuyên gia đây là thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam bởi phần lớn là các DNNVV phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chính hưởng ưu đãi như ngành dệt may, da giày đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN. Do đó để đáp ứng được những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ buộc các DN phải có những thay đổi theo những yêu cầu mà hiệp định quy định.

Theo LEFASO, thời gian qua với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương giúp các DN cũng nhận thức rõ vai trò của nguồn gốc xuất xứ. Mặc dù những quy định về quy tắc xuất xứ trong CPTPP có một số điểm khác với các FTA mà Việt Nam đã ký kết nhưng các DN cũng đã có sự chủ động trong nguyên liệu nhập khẩu.

Theo quy định từ CPTPP, 55% nguyên phụ liệu phải có xuất xứ nội khối và DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra 1 sản phẩm. Do đó các DN khi tham gia hiệp định sẽ phải có những điều chỉnh về nguồn nguyên liệu đáp ứng quy định của hiệp định để hưởng ưu đãi về thuế quan.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, yêu cầu trong CPTPP là xuất xứ của hàng dệt may phải từ sợi (thay vì từ vải như một số hiệp định khác), trong khi các DN trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm.

Bên cạnh đó, những quy định về nguồn nguyên liệu cũng là một khó khăn với nhiều DN khi mà nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, xuất xứ cho ngành dệt may rất hạn chế.  Vì vậy thời gian tới ngành dệt may sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khâu xuất xứ cho nguyên phụ liệu, tăng cường thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển. Bên cạnh đó các DN cũng cần có những chủ động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là với các nước được phép theo quy định từ hiệp định. 

Mới đây, để giúp các DN hiểu rõ hơn về quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTPP, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP. Theo đó, so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới là Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa, Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, tái chế tạo, Công thức tính RVC (Regional Value Content - Hàm lượng giá trị khu vực FTA, là một ngưỡng (tính theo tỷ lệ phần trăm) mà hàng hóa phải đạt được đủ để coi là có xuất xứ). Thông tư số 03/2019/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 8/3/2019.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày thông tư này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định và theo quy định của quốc gia thành viên nhập khẩu.

Lượt xem: 1.108
Tác giả: Nguyễn Minh
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan